Phỏng vấn trực tuyến HLV Park Hang-seo
- Xin chào ông Park, chúc mừng thầy trò ông vì vị trí á quân ở giải U23 châu Á vừa qua. Nhưng xin hãy thật lòng, trước khi đến với giải đấu tại Trung Quốc, ông đã kỳ vọng gì và đặt mục tiêu như thế nào? (Hoàng Long, 41 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội).
- Tôi nói thật, từ trước khi rời Hà Nội sang Trung Quốc, chúng tôi không đề ra mục tiêu cao như thế này. Các lãnh đạo trong Liên đoàn có nhắc đến mục tiêu ba điểm, nghĩa là giành ít nhất một trận thắng. Nhưng với cương vị HLV trưởng, tôi không thể nói như thế. Chúng tôi phải cố gắng từng trận. Ngay ở trận đầu tiên, chúng tôi gặp Hàn Quốc, một đội bóng mạnh và là quê hương của tôi. Đó là một trận đấu rất khó, nhưng phải nói thật là tôi muốn thắng trận đó. Tiếc là chúng tôi không làm được. Mọi chuyện dễ dàng hơn ở các trận kế tiếp, và như các biết đấy, chúng tôi thắng Australia rồi hòa Syria để đi tiếp.
Giải U23 châu Á có 16 đội, trong đó Việt Nam xếp thứ 14 trước khi vào giải. Ở bảng D, chúng tôi chỉ là thứ tư trong bốn đội, xét theo thứ bậc trước giải. AFC cũng đánh giá khả năng vượt qua vòng bảng của Việt Nam khá thấp. Vì thế, chúng tôi chỉ còn cách tập trung cho từng trận đấu. Trong đó, trận gặp Syria ở lượt cuối có ý nghĩa rất quan trọng.
- Ông từng phát biểu: “Cầu thủ Việt Nam không biết họ ngang tầm Nhật Bản và Hàn Quốc”. Do đâu mà ông phát hiện ra điều này và ông đã làm như thế nào để các cầu thủ biết về sự ngang tầm đó để tự tin trong luyện tập thi đấu và chiến thắng? (Đỗ Thành Huy, 50 tuổi, A Lưới, Thừa Thiên Huế)
- Có lẽ đã có sự hiểu lầm trong việc hiểu câu trả lời của tôi. Tôi nhớ là đã nói: "Các cầu thủ Việt Nam có những yếu tố mà cầu thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc không có. Ví dụ như tốc độ, kỹ thuật hay một khía cạnh nào đó là thể lực nữa". Chứ tôi không nói là cầu thủ Việt Nam đã ngang tầm Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì tôi thậm chí chưa huấn luyện cầu thủ Nhật Bản bao giờ.
- Quay lại thời điểm ông ký hợp đồng với VFF, lời mời từ Việt Nam đến với ông như thế nào, và vì sao ông nhận lời? (Phạm Đức, 48 tuổi, Thanh Hóa)
- Tôi khá bất ngờ với đề nghị này vì trước đó chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ làm việc ở Việt Nam. Tôi từng dẫn dắt một số CLB chuyên nghiệp ở Hàn Quốc và từng có ý định ra nước ngoài huấn luyện. Lúc đó, người đại diện của tôi có nói VFF quan tâm đến tôi. Nếu là một CLB chuyên nghiệp, tôi chắc chắn sẽ đắn đo, nhưng đây là một đội tuyển quốc gia.Thực sự thì khi đó, tôi đang dẫn dắt một CLB thi đấu ở hạng thấp tại đất nước tôi. Vì thế, tôi nhận lời đến Việt Nam. Rất may công việc tiến triển tốt đẹp.
Trước khi bắt đầu công việc, tôi không có nhiều thông tin về Việt nam. Tôi biết về Xuân Trường đang thi đấu ở Gangwon. Tôi cũng biết bóng đá Việt Nam phát triển rất nhanh, và coi đây là thử thách cũng như cơ hội cuối cùng của sự nghiệp tôi. Nhân đây, tôi cũng muốn nhờ VnExpress hỏi lại VFF rằng vì sao họ lại chọn tôi (cười), vì vào thời điểm ấy ở Hàn Quốc có nhiều người giỏi và trẻ hơn tôi. Nên thực sự tôi cũng không biết chính xác nguyên nhân mình được chọn.
Về ý công việc cuối cùng bản thân mong muốn. Thực ra, bây giờ, ở Hàn Quốc có nhiều HLV trẻ và tài năng. Tuổi của tôi đáng lẽ đã đến thời điểm nghỉ hưu dù tôi cũng có nhiều kinh nghiệm. Giấc mơ đi ra nước ngoài tôi đã ấp ủ từ lâu. Tôi nghĩ là mình cũng có thể làm lãnh đội hoặc một công việc tương tự. Tuy nhiên, ở tuổi này, việc ra nước ngoài với tôi vẫn là một thử thách khó khăn.
- Ông từng nói trợ lý Lee Young-jin là "bộ óc" của ông. Ông làm thế nào để thuyết phục ông Lee theo ông sang làm việc tại Việt Nam? (Huệ Nguyễn, 34 tuổi, Ninh Bình)
- Lee là người tôi quen từ lâu, từ thời chúng tôi còn thi đấu ở CLB Hwangso. Đến khi tôi làm HLV, cậu ấy vẫn còn là cầu thủ. Sau đó, cả hai cùng trở thành HLV ở Hàn Quốc. Từ hồi xưa, chúng tôi đã biết rõ nhau, như đàn anh với đàn em. Nếu đến dẫn dắt một CLB ở Việt Nam, tôi sẽ không mời Lee đi theo, nhưng với cấp đội tuyển, áp lực khá lớn nên tôi đã mời và cậu ấy vui vẻ đồng ý. Khi sang Việt Nam, chúng tôi chú trọng đến sự cần cù, dù kết quả được ưu tiên. Nếu không thành công, hình ảnh cần cù của người Hàn Quốc vẫn sẽ là bài học cho những HLV đàn em ở Hàn Quốc. Hai người chúng tôi rất hợp nhau với ý tưởng đó.
Trong quá trình thi đấu, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản. Nhưng trận đấu diễn ra với những tình tiết nhanh, chúng tôi phải đưa ra quyết định gấp rút. Lee là người đưa ra lời khuyên khi đó. Cậu ấy luôn nắm bắt được quyết định tôi muốn nói. Kết quả lần này có đóng góp lớn của Lee, cũng như các cộng sự khác trong ban huấn luyện Việt Nam. Tôi xin mọi người đừng hiểu lầm. Trước bất cứ trận đấu nào diễn ra, chúng tôi đều họp bàn nhiều lần, gồm tôi và các trợ lý. Mọi người đều đưa ra nhiều ý kiến, trước khi Lee tổng hợp lại và đưa cho tôi quyết định. Đội ngũ trợ lý Việt Nam đã làm việc rất nỗ lực để cung cấp cho tôi về văn hóa Việt Nam, và công lao của họ rất lớn ở giải đấu lần này.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede trong giải đấu vừa qua? (Tống Giang, 32 tuổi, Nam Định)
- Vai trò của Giám đốc Kỹ thuật tại Việt Nam có hơi khác ở Hàn Quốc. Nhà của Gede ở gần tôi, có thể xem như hàng xóm của nhau. Ông ấy giỏi tiếng Anh còn tôi thì không, nên mỗi khi trao đổi chúng tôi thường nói chuyện ngắn. Gede từng làm việc ở khu vực Trung Đông, Tây Á nên rất hiểu các cầu thủ ở đây. Do đó, ông ấy cung cấp cho tôi những thông tin về các đối thủ ở khu vực này trong giải đấu vừa qua. Nhìn chung, Gede là người quan tâm đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
- Ông chọn cầu thủ dự giải U23 châu Á như thế nào? (Đinh Thanh An, 42 tuổi, Bình Tân, TP HCM)
- Trước khi đến Việt Nam, tôi không có nhiều thông tin về các cầu thủ. Tôi có thói quen lựa chọn cầu thủ bằng cách trực tiếp đến xem anh ta thi đấu, cùng với trợ lý Lee. Tuy nhiên, việc xem hàng trăm cầu thủ để lựa chọn cầu thủ cho U23 Việt Nam là điều không thể. Vì vậy, đội ngũ trợ lý cũng như Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede cũng đóng vai trò tham vấn, giúp tôi tuyển chọn đội hình.
Bên cạnh phong độ của cầu thủ, tôi cũng quan tâm đến phẩm chất đạo đức và thói quen sinh hoạt của từng người. Tôi chỉ chọn cầu thủ nếu anh ta có cách sinh hoạt lành mạnh và đối xử tốt với mọi người.
- Cháu xin được hỏi HLV Park đã có chiến thuật, liệu pháp gì giúp U23 Việt Nam lột xác chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ông lên nắm quyền? (Nguyễn Thạch Tiến, 33 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)
- Các bạn không nên cho rằng tôi đã thay đổi hoàn toàn hình ảnh bóng đá Việt Nam. Không đến mức đấy đâu. Thực ra, U23 Việt Nam hiện tại chưa hoàn thiện, chưa đạt đến đỉnh cao đâu. Tôi luôn cố gắng vận dụng hết tri thức và kinh nghiệm qua mấy chục năm làm việc tại Hàn Quốc, để áp dụng vào bóng đá Việt Nam. Tôi luôn giữ quyết tâm đó ngay từ đầu, để truyền đạt lại cho các cầu thủ.
- Theo tôi niềm tin vào bản thân, khát khao chiến thắng là yếu tố chủ chốt mang lại thành công cho U23 lần này. Vậy ông và ban huấn luyện đã làm gì để có thể truyền cảm hứng cho các cầu thủ trong thời gian ngắn như thế? (Trần Huy Hiển, 39 tuổi, TP Sa Đéc, Đồng Tháp)
- Không biết cách biểu hiện này của tôi có đúng không? Trong cuộc sống, chúng ta luôn đối diện với căng thẳng. Tôi thì xa quê, cũng nhớ nhà. Nhưng mỗi sáng, nhìn thấy ánh mắt của các cầu thủ, nó mang lại rất nhiều động lực cho tôi. Điều đó tôi không có ở Hàn Quốc. Không chỉ tôi đâu, tất cả đội ngũ trợ lý đều cảm thấy như thế. Chúng tôi không nói với nhau nhưng đều cảm nhận được là phải cố hết sức. Tôi nghĩ là trong người cầu thủ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Tôi không hiểu tại sao những thế hệ trước lại mang định kiến cầu thủ Việt Nam có thể lực yếu, thua kém so với cầu thủ ở nơi khác. Tôi muốn thay đổi định kiến đó, nên luôn khuyến khích, động viên để họ phát huy hết khả năng.
HLV Park Hang-seo bật khóc khi kể lại tinh thần chiến đấu của học trò
- Xin ông thông tin thêm về phương pháp nâng cao thể lực của các cầu thủ Việt Nam, giúp họ chơi tốt trong suốt những trận đấu 120 phút vừa qua. (Hoàng Long Ẩn, 32 tuổi, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)
- Trước khi nhậm chức HLV tuyển Việt Nam, nhiều người nói với tôi là thể lực của họ khá yếu. Sự thực là trong thời gian tập trung ngắn hạn của đội tuyển, không có cách nào cải thiện được thể lực cả. Nhưng tôi phát hiện ra họ rất nhanh và khéo. Điều quan trọng nhất là tôi đã thay đổi sơ đồ chiến thuật. Trước đây, các HLV thường áp dụng sơ đồ có bốn hậu vệ, nhưng chơi như thế, khả năng cao là chúng ta sẽ thua sấp mặt. Vì thế, tôi đổi sang chiến thuật ba hậu vệ. Nó khắc phục được những bất lợi về thể hình của cầu thủ.
Tôi cũng không thể hiểu vì sao mọi người lại đánh đồng rằng thể hình nhỏ thì thể lực kém. Trong bóng đá, những cầu thủ nhỏ sẽ rất nhanh. Hơn nữa, cầu thủ Việt Nam rất thông minh. Họ hiểu chiến thuật của tôi rất tốt. Ngoài ra, sau khi tiến hành đo đạc các chỉ số cơ thể, chúng tôi cũng phát hiện ra là phần thân trên của cầu thủ Việt Nam khá yếu. Vì thế, tôi yêu cầu các cầu thủ đến phòng gym của Liên đoàn, một tuần khoảng ba-bốn lần, tập liên tục như thế khoảng một tháng trước khi vào giải U23 châu Á.
Tôi nói thật, chúng tôi không có nhiều phương pháp nào đặc biệt về thể lực. Tôi xin nhấn mạnh, cầu thủ Việt Nam không yếu về thể lực
- Báo chí Hàn Quốc gần đây viết rằng ông đã thay đổi chế độ dinh dưỡng nên các cầu thủ Việt Nam mới có thể thi đấu dẻo dai như thế? (Le Anh, 35 tuổi, Hà Nội)
- Tôi xin khẳng định đây là hiểu lầm của báo chí Hàn Quốc. Tôi có hai nguyên tắc: tôn trọng tuyệt đối văn hóa Việt Nam và tôn trọng tuyệt đối ẩm thực Việt Nam. Tôi không phàn nàn gì về chế độ ăn uống. Tôi chỉ khuyến khích họ ăn thêm sữa và đậu phụ, vì họ không có thói quen đó. Tôi thuyết phục các cầu thủ ăn theo chế độ hợp lý sau trận đấu. Tôi nói thế để họ hiểu chế độ này rất quan trọng với các cầu thủ. Không thay đổi nào quá mức bình thường đâu.
Tôi cũng xin giải thích thêm chuyện dinh dưỡng là nỗ lực từ VFF. Khi tập trung đội tuyển ở trụ sở VFF, họ mời đội tuyển ở khách sạn. Nhưng tôi trao đổi với phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn rằng không cần vào khách sạn, nhưng chuyện ăn uống phải được hỗ trợ tối đa. Ông ấy thoải mái đồng ý. Khi sinh hoạt ở Liên đoàn, ông Trần Quốc Tuấn và Tổng thư ký Lê Hoài Anh ở ngay cạnh, hỗ trợ rất nhiều về ăn uống.
- Tại giải U23 châu Á lần này, chúng tôi thấy Công Phượng luôn là người đá cao nhất trên hàng công. Với thể hình nhỏ bé và không giỏi không chiến, vì sao ông bố trí Công Phượng chơi như vậy? U23 Việt Nam vẫn còn một tiền đạo cao to là Hà Đức Chinh, vì sao ông không sử dụng anh này ở vị trí tiền đạo cắm thay Công Phượng? (Trần Trung Hiếu, 33 tuổi, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội)
- Trong đợt tập trung lần này, tôi vẫn nhận định rằng Công Phượng là một cầu thủ quan trọng. Cậu ấy có thể là một trong những cầu thủ tôi tin tưởng nhất. Năng lực của cậu ấy đã được chứng tỏ và trong giải M-150, Công Phượng đã ghi hai bàn. Về Đức Chinh, đáng tiếc là cậu ấy không được ra sân nhiều ở CLB mùa giải vừa qua. Tôi cũng không có thời gian xem cậu ấy thi đấu.
Để chọn cầu thủ nào ra sân, chúng ta phải dựa vào hai yếu tố: phong độ và phương án, chúng tôi phải tính xem đối thủ là ai rồi tính đến việc tung cầu thủ nào vào lúc nào cho hợp lý. Tôi muốn để Đức Chinh như một cú đấm và cậu ấy đã làm tốt.
Chúng ta cũng không nên nói Công Phượng nhỏ bé thì không đá cắm được. Không chơi bóng bổng thì chúng ta chuyền sệt, bóng đá đâu chỉ có bóng bổng. Xin nhắc lại, việc chọn Công Phượng hay Đức Chinh là do chiến lược. Dùng cầu thủ nào, thời điểm nào là do tôi quyết định tùy vào tình hình thực tế lúc đó. Chúng tôi phát hiện ra là khi đội mất tập trung, mệt mỏi thì đó là lúc để tung Đức Chinh vào sân. Đây là cú đấm chết người, tôi phát hiện ra Đức Chinh có tố chất làm điều đó. Hai cầu thủ có hai đặc điểm khác nhau và khả năng khác nhau.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của Xuân Trường khi ông xây dựng đội U23 dự giải châu Á? Tại sao ở cuối trận chung kết với Qatar, khi Xuân Trường có vẻ như đã rất mệt nhưng ông vẫn không thay ra? (Ngọc Linh, 34 tuổi, London, Anh)
- Tôi đã khá lo về tốc độ thi đấu của giải sẽ làm cạn kiệt thể lực cầu thủ. Thực ra đội nào cũng lo vậy thôi. Tôi có nguyên tắc triệu tập hai cầu thủ cho một vị trí. Nhưng một số cầu thủ lên tập trung muộn, và thiếu kinh nghiệm nên chúng tôi gặp khó khăn. Đội một chơi tốt nhưng tôi khá lo khi đưa đội hai vào sân. Về thể lực, chúng tôi dùng nhiều yếu tố để khắc phục. Chúng tôi còn phải xem khả năng đọc trận đấu, kinh nghiệm thi đấu quốc tế của họ... Cái đó chúng tôi đã phải bàn bạc kĩ để ra quyết định
Xuân Trường là đội trưởng nên vai trò rất quan trọng, nói là đồng đội phải nghe. Ở trên sân có những điều chúng tôi không truyền đạt hết. Xuân Trường sẽ là người truyền đạt lại ý tưởng của ban huấn luyện, phải biết quản lý được nội dung trận đấu. Cậu ấy hiểu quyết định của chúng tôi. Tôi cũng biết lúc đó thể lực của Xuân Trường đã cạn, nhưng cậu ấy là thủ lĩnh. Nếu thay Xuân Trường, tôi sợ là sự tập trung của đội sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế tôi đã phân vân nên thay ai, giữa số 6 (Xuân Trường) hay 8 (Đức Huy), cuối cùng tôi thay Đức Huy.
- Ông nói gì với các học trò ở những thời điểm khó khăn trong các trận đấu ở giải vừa qua? (Phạm Hương, 50 tuổi, Munich, Đức)
- Trong quá trình huấn luyện, tôi yêu cầu các cầu thủ rất nhiều, thậm chí nạt nộ. Nhưng vào trận, tôi thường ngồi một chỗ và không nói gì nhiều. Cầu thủ khi vào sân họ đã biết bản thân phải làm gì, và lúc đó họ phải tìm cách kết nối với đồng đội. Tất nhiên, chuyện này còn tùy vào đối thủ là ai. Tuy nhiên, giao công việc cho cầu thủ thế nào, đó mới là việc tôi coi trọng.
Tôi luôn yêu cầu cầu thủ trao đổi với nhau. Hồi tôi mới sang, tôi thấy là khi ở với nhau, họ nói với nhau nhiều lắm. Khi chơi game còn hò hét với nhau. Thế nhưng, khi vào trận, họ rất ít giao tiếp với đồng đội. Trong bóng đá, có một khái niệm là ngôn ngữ giao tiếp trên sân. Khi thi đấu, cầu thủ phải nhắc nhau: Quay, thôi, bỏ, chạy... Bây giờ đội mới chỉ làm được 60% theo yêu cầu của tôi thôi.
- Ông rất gần gũi với các học trò, tạo cảm giác như một người cha. Ông làm thế nào để xóa nhòa khoảng cách giữa thầy trò theo cách như thế? (Hoàng Công Minh, 36 tuổi, Paris, Pháp)
- Như đã nói ở trên, cứ mỗi lần nhìn vào ánh mắt trong trẻo của cầu thủ, tôi cảm nhận được tất cả, và thành viên trong ban huấn luyện cũng vậy. Trước khi sang việt Nam, tôi xác định phải vứt bỏ tất cả những gì đã đạt được ở World Cup 2002 để tập trung cho công việc mới. Trong quá trình huấn luyện, tôi cũng quát mắng và la hét các cầu thủ. Chúng tôi là một đội, tất cả cần bỏ đi cái tôi. Tôi là HLV trưởng, phải là người tiên phong làm gương. Tôi muốn họ nghĩ tôi như một người anh trai.
Tôi họ Park nên một số cầu thủ cũng đùa nhau đổi sang họ Park, ví dụ như Park Huy, Park Minh... Điều đó giống như cha con vậy. Cầu thủ muốn tạo một không khí thân thiện. Các cầu thủ là của tôi. Tôi chọn họ và tôi chịu trách nhiệm về họ. Cũng như chúng ta làm cha làm mẹ thì nên có trách nhiệm với sai lầm của con cái.
Có thể đó là văn hóa phương Đông chúng ta, cha mẹ có trách nhiệm với con cái. Nhiều khi cha mẹ cũng cần điểm tựa từ con cái. Ví dụ như khi tôi tựa đầu vào vai Trọng Đại để ngủ ở sân bay. Tôi là HLV nhưng có lúc tôi phải dựa vào họ.
- Ông chuẩn bị như thế nào cho các cầu thủ trước những loạt đá luân lưu? (Tri Thông, 37 tuổi, Vinh, Nghệ An).
- Trong nhiều bữa ăn, Lee cũng nói với tôi là chúng ta không thể chơi luân lưu mãi. Nhưng trận đấu đưa đẩy đến tình cảnh đó thì không làm khác được. Trong trận Iraq, tôi đồng ý cho Tiến Dũng (trung vệ) đá quả cuối. Khi cầu thủ đá luân lưu, có nhiều yếu tố chi phối, nằm ở sự hưng phấn, tâm lý chiến thắng. Nên lúc đó tôi chọn Tiến Dũng. Tuy nhiên quả đá của Tiến Dũng làm tim tôi muốn rớt ra ngoài. Quả đó mà không vào thì không biết Lee sẽ trách tôi thế nào. Trong trận Qatar, chúng ta đã bị lộ bài và phải tìm phương án khác. Vậy nên, tôi không cho Tiến Dũng đá nữa mà thay bằng Văn Đức. May là Văn Đức đã thực hiện thành công.
Trong đá luân lưu, cầu thủ cũng có nhịp độ. Nếu đối phương thành công liên tục thì phải tìm cách cắt được nhịp đó, thậm chí phải nhận thẻ vàng đi nữa. Tôi luôn bảo các học trò như vậy, vì đá 11m là cuộc chiến tâm lý. Tiến Dũng (thủ môn) có lẽ có kinh nghiệm trong việc này. Có một điều tôi chưa từng tiết lộ. Ở trận Qatar, tôi không định cho Văn Thanh đá quả cuối, định cho cậu ấy đá quả thứ hai hay thứ tư, nhưng Thanh xung phong đá quả cuối. Tôi hơi lo. Nhưng tôi nghĩ Văn Thanh hiểu được tầm quan trọng và tự tin nên mới xung phong làm điều đó. Thật may là Thanh đã thực hiện thành công. Lúc cậu ấy đá, tôi cứ nghĩ nếu không vào, chắc tôi phải mắng cậu ấy một trận (cười).
Về thủ môn Tiến Dũng, các anh phải nhớ Dũng đã bắt được một quả ở trận gặp Hàn Quốc và cũng từng bắt được ở giải M-150 nữa đấy, chứ không chỉ ba quả luân lưu ở tứ kết và bán kết. Tôi vẫn nghĩ Dũng là một người rất tuyệt vời để bắt 11m. Thực ra, trước khi đi Trung Quốc, tôi rất lo. Dũng ổn nhưng cậu ấy gặp vấn đề ở đầu gối. Tôi đã nói với các trợ lý là nếu Dũng có vấn đề thì phải dùng thủ môn số hai Văn Hoàng. May mắn là nhờ sự hướng dẫn của HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh, Dũng đã trải qua giải đấu bình an. Anh Cảnh nhiều khi bắt thủ môn tập nhiều quá, có khi tập như điên. Nhưng chắc cũng nhờ điều đó Dũng mới tỏa sáng. Dũng rất tuyệt vời, tôi chỉ lo cho vết thương cậu ấy.
Tôi chỉ có một yêu cầu với Dũng. Đó là đôi khi có những sai lầm rất nhỏ. Tôi nói: "Em là thủ môn. Vai trò của em rất lớn, mang lại niềm tin cho đồng đội. Em là hòn đá tảng, phải chơi an toàn để giữ niềm tin cho đồng đội".
- Khi Quang Hải sút hỏng quả luân lưu đầu tiên trong trận gặp Qatar, tôi thấy ông tiến đến và nói với Hải điều gì đó. Vậy cụ thể, ông đã trao đổi những gì? (Đức Hoàng, 31 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)
- Tôi xin chịu trách nhiệm về cú đá hỏng của Quang Hải, dù cầu thủ cần cố gắng thực hiện thành công, nhưng tôi là người quyết định thứ tự người sút luân lưu. Sau khi Quang Hải đá hỏng, cậu ấy cúi đầu đi về chỗ các đồng đội. Hình ảnh đó sẽ khiến những người còn lại bị ảnh hưởng tâm lý. Vì vậy tôi đã nói với Hải rằng chuyện đá hỏng cũng là bình thường, không có gì cả để cho các cầu thủ tiếp theo bình tĩnh làm nhiệm vụ của họ.
- Xin cho chúng tôi biết ông nghĩ gì khi ngồi một mình lặng lẽ trong cabin sau khi U23 Việt Nam thua một cách tiếc nuối trong trận chung kết? (Vũ Sơn, 35 tuổi, Hà Nội)
- Chúng ta biết cầu thủ Việt Nam đã phải thi đấu trong điều kiện chưa từng gặp bao giờ. Trong điều kiện thi đấu mưa tuyết như vậy, họ đã chơi rất cố gắng, nhưng lại thiếu đi sự tập trung ở ít phút cuối cùng và thất bại là điều vô cùng đáng tiếc. Đó là điều tôi cảm thấy khi ngồi trong cabin.
Thêm nữa việc AFC trao giải ngay sau trận đấu, khi chúng tôi chưa kịp lấy lại cảm giác thăng bằng cũng là điều khiến tôi thấy hụt hẫng. Có thể AFC muốn hoàn thành sớm việc trao giải trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi như vậy.
- Ông gọi điện cho ai đầu tiên sau trận chung kết với Uzbekistan? (Quang Độ, 73 tuổi, Long Biên, Hà Nội)
- Tôi gọi cho vợ. Tôi muốn gọi cho mẹ tôi, nhưng bà nhiều tuổi quá không nhận điện thoại được (97 tuổi). Tôi cũng sợ bà lo lắng quá cho tôi. Vậy nên, tôi gọi cho anh trai.
- Cảm xúc chung của ông từ khi xuống máy bay tại Nội Bài đến bây giờ là như thế nào? (Elise Nguyễn, 50 tuổi, Sydney, Australia)
- Trong quá trình thi đấu, qua báo chí Hàn Quốc và một số kênh truyền thông, tôi cũng được các cầu thủ cho xem hình ảnh của mình trên mạng. Khi xuống sân bay thì rất đông, tôi cũng trải qua cảm giác đó vào năm 2002 (khi World Cup tổ chức ở Hàn Quốc). Tôi cũng nghĩ là chỉ ở sân bay thì đông thế thôi. Nhưng không ngờ là về đến Hà Nội mọi người lại đông vậy, không ngờ là tình yêu bóng đá của mọi người lại lớn như thế. Tối qua, tôi và các trợ lý cũng ngồi lại để bàn về tình yêu bóng đá. Chúng tôi cũng không biết là tình yêu bóng đá của người Việt đến mức nào và đó có đơn thuần là tình yêu bóng đá hay là tình yêu dành cho đất nước. Nói tới đây, tôi cũng cảm thấy áp lực trên tư cách là HLV trưởng của đội tuyển. Vì tôi biết sắp tới sẽ rất nhiều giải đấu đang chờ đợi mình. Có lẽ tôi phải chuẩn bị từ bây giờ.
- Theo ông, thành công của Việt Nam ở giải U23 châu Á vừa qua là do phong độ nhất thời hay nhờ đẳng cấp của bóng đá Việt Nam đã được nâng lên? (Nguyễn Hữu Liêm, 46 tuổi, TP HCM)
- Tôi đã nghe một số người phê phán rằng Việt Nam gặp may mắn. May mắn có thể đến một, hai lần, nhưng chúng ta đã vào đến chung kết. Họ không nên nghĩ chúng tôi gặp may. Với tư cách HLV trưởng, tôi không thể nói chúng ta đã lên đẳng cấp cao. Nhưng tôi không nghĩ đây chỉ là vận may tức thời. Kết quả hôm nay không phải là ngẫu nhiên, mà là nỗ lực và mồ hôi của cầu thủ. Hình ảnh bóng đá Việt Nam chắc chắn đã được nâng tầm rất nhiều. Dù vậy, để vươn đến đỉnh cao vẫn cần thêm thời gian.
Sau giải này, sự mong đợi của người dân sẽ cao hơn, châu Á sẽ đánh giá chúng ta hoàn toàn khác. Đây là thời điểm mà tôi, VFF và tất cả những người làm bóng đá đều cố gắng hơn gấp đôi so với trước.
- Người hâm mộ đang phát sốt vì các học trò của ông. Ông có lời khuyên gì cho họ để giữ đôi chân trên mặt đất? (Thanh Bình, 36 tuổi, Bình Thạnh, TP HCM)
- Các cầu thủ được tôi tuyển chọn, vì thế tôi rất yêu quý họ, những người đa số ít hơn tuổi con trai tôi. Tôi coi họ như con. Ngoài thời gian huấn luyện, giữa chúng tôi không có khoảng cách. Tất nhiên là tôi cũng đưa ra các quy tắc, nhưng miễn họ chấp hành là được. Trước mắt, họ sẽ được trả về CLB. Với tư cách một đàn anh đi trước trong bóng đá, tôi dặn họ không được phép ngạo mạn. Thông qua việc này, tôi cũng nói với các trợ lý, là phải nói với các em cần cố gắng gấp đôi hiện tại. Khi cầu thủ khoác áo đội tuyển, họ cần có niềm tự hào và sự cố gắng. Bằng không họ không đủ tư cách khoác màu áo này. Tôi cũng nhấn mạnh với các em rằng tôi vẫn dõi theo họ, ngay cả khi trả về CLB.
- Ông đánh giá sao về sự hỗ trợ của VFF ở giải đấu này? (Hoang Van Bach, 40 tuổi, Hà Nội)
- Thực ra không chỉ giải này. Trước đó cũng có vài lần tập trung và các giải trước đó. Tôi trao đổi khá nhiều với phó chủ tịch Tuấn. Cho đến lúc này, tất cả những yêu cầu của tôi đều được VFF đáp ứng. Nhưng nếu có thêm kiến nghị tôi sẽ muốn VFF tìm ra một đội ngũ trợ lý người Việt ổn định hơn. Có thể thấy từ giải M-150 rồi trận gặp Afghanistan, đội ngũ trợ lý thay đổi khá nhiều. Nếu muốn có kết quả tốt hơn, chúng ta cần một đội ngũ ổn định. Mọi thứ cũng không thể mỹ mãn hết được, nhưng tất cả các yêu cầu của tôi đều được đáp ứng. Bây giờ thì thành tích của đội tuyển đã tốt hơn rồi. Nên tôi mong các cơ quan báo đài, người hâm mộ sẽ ủng hộ VFF nhiều hơn.
Thực ra, tôi là người nước ngoài nên tôi không phát âm được. Nhưng trong VFF có ba người tôi hay nhầm tên. Anh phó Chủ tịch Tuấn, anh Tuấn ở phòng đội tuyển, một anh nữa tên Đoàn nhưng do phát âm giống nên tôi hay bị nhầm. Anh này làm truyền thông. Cả Tổng thư ký Lê Hoài Anh nữa. Qua đây, tôi xin cảm ơn tất cả mọi người ở VFF đã giúp đội tuyển rất nhiều.
Để nói lời cuối cùng trước khi kết thúc buổi giao lưu, cho tôi gửi lời chào người hâm mộ và những người làm bóng đá Việt Nam. Cảm ơn về tình yêu, sự khích lệ và cổ vũ của mọi người. Nhờ vào sự ủng hộ này mà chúng tôi có được thành công ngày hôm nay. Tất nhiên, chúng tôi không được phép hài lòng với kết quả này. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong thời gian tới, và nỗ lực nâng cao thành tích. Trong thời gian tôi còn làm HLV tại đây, chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa để nâng tầm hình ảnh Việt Nam. Cố gắng không làm người dân Việt Nam thất vọng. Xin cảm ơn người hâm mộ.