Người chịu trách nhiệm chính trong cuộc khủng hoảng của Chelsea là... ông chủ Roman Abramovich chứ không phải chiến lược gia lắm tài nhiều tật Jose Mourinho.
1. Ngoài Arsene Wenger vốn là trường hợp quá đặc biệt, không có HLV nào khác tại Premier League dẫn dắt đội bóng hiện thời lâu hơn Jose Mourinho. Đúng ra, cũng có Mark Hughes (Stoke), hơn Mourinho... 3 ngày; hoặc Eddie Howe huấn luyện Bournemouth từ năm 2012, nhưng đội này chỉ vừa góp mặt ở Premier League trong năm nay. Nói vậy để thấy: đã qua rồi cái thời kỳ mà tỷ phú Roman Abramovich thay HLV như thay áo.
Premier League từng là giải đấu có truyền thống rất kiên nhẫn với HLV. Khoảng chục năm trước, người ta tính ra rằng một HLV trưởng ở Premier League có “tuổi thọ” bình quân ở cùng một CLB là 4 năm trong khi Bundesliga chỉ là 2 năm, Serie A là 2 năm rưỡi. Bây giờ, khi Mourinho và Hughes (cùng bắt đầu công việc từ năm 2013) lại là “thuyền trưởng” ổn định thứ hai - chỉ sau mỗi Wenger - thì điều đó cho thấy thời thế đã thay đổi quá nhanh, đến nỗi ngay cả tỷ phú Abramovich cũng không theo kịp!
2. Phong cách, quan điểm, hoặc khả năng chuyên môn của Mourinho thì đã rõ ràng từ chục năm trước. Chẳng ai phải đợi đến khi Mourinho dẫn dắt Chelsea vô địch Premier League trong mùa vừa qua để hiểu rõ hơn về ông. Nhưng, thất bại của Chelsea ở Premier League mùa này cũng rõ ràng không kém. Điều gì đang xảy ra ở Chelsea? Mourinho đang gặp những vấn đề gì? Những đề tài ấy như thế cứ xuất hiện đều đặn sau mỗi trận thua, nhất là những trận thua tại sân nhà Stamford Bridge. Rút cuộc, cũng chỉ là bàn cho có. Chưa thấy ai trả lời được một cách thuyết phục, rằng Mourinho đang gặp vấn đề gì.
Thật ra, “vấn đề” rõ nhất, dễ nói nhất, lại rất ít được bàn đến. Có lẽ vì đấy là kiểu lập luận không bao giờ có cơ sở. Mourinho đang gặp “vận xui” - thế thôi! Bấy nhiêu là đủ để ra quyết định sa thải rồi, bởi “vận xui” là của Mourinho nhưng nó lại chụp xuống Chelsea (chứ bản thân Mourinho đâu có mất gì). Kể cũng lạ. Báo giới thường cố moi cho bằng được từng chi tiết nhỏ nhất về tính dị đoan của các ngôi sao, cả HLV chứ không riêng gì cầu thủ, rồi kết nối với thành công hoặc thất bại của họ. Ông A thắng mãi “nhờ” không thay áo, hoặc cầu thủ B sút mãi chẳng vào vì quên đặt chân trái vào sân trước chân phải... Nhưng cái vận xui to đùng của Mourinho thì chẳng ai bàn, chắc là vì nói thế thì không “chuyên môn” cho lắm!
3. Khi đẩy Mourinho ra khỏi Stamford Bridge bằng cửa sau hồi năm 2007, Abramovich có cần gì đến các lý lẽ chuyên môn? Còn khi Mourinho chỉ trích bác sĩ Eva Carneiro, thiên hạ lập tức mắng mỏ ông này về thói đổ thừa, nhất là lại đi đổ thừa một nữ bác sĩ xinh đẹp. Hình như người ta quên béng rằng việc đổ thừa của Mourinho có tính chuyên môn rất cao.Chi tiết “chỉ còn 9 người, không đủ để phản công hoặc chống phản công” mà Mourinho từng chỉ rõ rõ trong vụ “đổ thừa” bác sĩ Carneiro đủ để người ta lý giải cả một chiến thắng ở đấu trường World Cup, nếu gặp lúc thích hợp!
Cuộc sống chính là như thế, và bóng đá giống hệt cuộc sống. Dù có tài thánh đi nữa, ai cũng có lúc phải gặp vận hạn. Những lúc “quỷ tha ma bắt” như thế, bạn sẽ chẳng làm nên trò trống gì, trong bất cứ việc gì. Vận hạn trôi qua, đâu lại vào đấy ngay. Chẳng lẽ Abramovich không thấy như vậy, khi Mourinho cứ đi từ thất bại này đến thất bại khác? Để Chelsea đến nông nỗi này là lỗi của chính ông chủ Abramovich. Bây giờ mới lại quyết định có nên sa thải hay không thì quá muộn rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét