Ở trận bán kết giải U21 Quốc tế chiều qua, Công Phượng một lần nữa thất bại trên chấm 11m khi thực hiện kĩ thuật Panenka. Liệu tiền đạo xứ Nghệ đã đủ tự tin và kĩ thuật để sử dụng tuyệt kĩ này? |
Nếu coi bóng đá là nghệ thuật thì panenka được xem là một phát kiến vĩ đại. Đó không chỉ là một kĩ thuật đá 11m đơn thuần mà còn là cách để các cầu thủ thể hiện sự lì lợm và tinh quái trong trò chơi cân não.
Ngoài sự kịch tính và căng thẳng, loạt sút 11m chẳng có gì hấp dẫn. Thậm chí, nó còn bị xem là cái nhàm chán nhất trong bóng đá. Panenka sinh ra vào đúng thời điểm mà NHM cần một sự đổi mới và tư duy. Nó nối tiếng và được yêu thích bởi sự khác biệt, mang phong cách cá nhân. Nó hay bởi sự đơn giản và bất ngờ, trái ngược với những gì NHM nín thở chờ đợi.
Kể từ ngày huyền thoại Antonín Panenka khai sinh ra cú đá 11m để đời này tại EURO 1976, đã có biết bao danh thủ từng thành công và nổi tiếng bởi phong cách nghệ sĩ trên chấm 11m. Có thể kể ra những cái tên như Totti, Pirlo, Zidane, Messi hay thậm chí là Sergio Ramos…
Cái hay của Panenka là sự đơn giản nhưng đó cũng là mặt trái của tuyệt chiêu này. Nó có thể trở thành 1 tuyệt phẩm nếu được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ và sở hữu 1 tư duy nhạy bén, bản lĩnh. Nhưng nó cũng có thể trở thành trò lố nếu lạm dụng và hời hợt. Totti, Pirlo được đánh giá là những chuyên gia sút panenka cũng có đôi lần thất bại và bị chỉ trích. Ranh giới là rất mong manh…
Chiều qua, ở trận bán kết giải U21 Quốc tế, Công Phượng tiếp tục sử dụng kĩ thuật panenka ở loạt đấu súng cân não với Yokohama. Anh là người thực hiện cú 11m cuối cùng và đã thất bại, khiến U21 HAGL bị loại.
Đây không phải là lần đầu tiên Công Phượng sử dụng kĩ thuật đá 11m của huyền thoại người CH Séc. Anh đã từng thành công như bàn thắng vào lưới U19 Nhật Bản ở VCK U19 Đông Nam Á 2014 hay 2 bàn thắng khác vào lưới U21 Singapore, U23 Macau.
Nhưng ở 2 lần thực hiện kĩ thuật panenka gần nhất, Công Phượng đều thất bại. Trước loạt đấu súng cân não với U21 Yokohama, tiền đạo xứ Nghệ từng hỏng ăn khi dứt điểm kiểu panenka trúng xà ngang ở trận gặp U23 Brunei ở vòng bảng SEA Games 28.
Khoan hãy nói tới việc Công Phượng lạm dụng kĩ thuật này và bị thủ thành đối phương bắt bài. Hay để ý 1 chi tiết khác là Phượng đã hội tụ đủ các yếu tố để thực hiện kĩ thuật trên hay chưa? Để trả lời, hãy cùng nhìn lại 2 cú panenka thất bại của tiền đạo HAGL.
Ở trận gặp U23 Brunei, Công Phượng thực hiện cú panenka với lực quá mạnh, khiến trái bóng tìm đến xà ngang. Còn chiều qua, anh lại thực hiện cú panenka quá nhẹ, khiến thủ thành U21 Yokohama dù lỡ đà vẫn có thể cản phá. Như vậy, ở cả 2 lần thực hiện này, chân sút xứ Nghệ đều chưa chuẩn về mặt kĩ thuật. Nếu thực hiện đúng, có thể Phượng vẫn có bàn thắng.
Yếu tố được xem là thành công của Panenka chính là tâm lý. Pirlo từng thực hiện kĩ thuật này thành công ở những loạt sút quyết định như Công Phượng chiều qua. Càng mạo hiểm thì panenka càng phản ánh sự lì lợm và bản lĩnh của người dứt điểm. Nhưng để lì lợm và tinh quái, yếu tố đầu tiên của người dứt điểm phải là chuyên môn. Chỉ vững về mặt chuyên môn, các cầu thủ mới có được sự tự tin và vững vàng trước cú sút panenka.
Đáng tiếc là Phượng chưa đảm bảo tiêu chí đầu tiên. Nó khiến 2 cú panenka gần nhất của anh trở nên hời hợt, trông có vẻ bản lĩnh nhưng lại nửa vời, rất thiếu hiệu quả trong bối cảnh nó quyết định kết quả của 1 trận đấu.
Lựa chọn cách đá nào là quyền của mỗi cầu thủ. Có khen, có chê, có thành công, ắt có thất bại. Khó có thể nói rằng Công Phượng đã sai lầm khi lạm dụng kĩ thuật panenka, nhất là ở loạt sút mang tính quyết định. Vấn đề đáng bàn ở đây là sự tự tin. Liệu Công Phượng đã đủ tự tin để thực hiện cách đá 11m này khi anh chưa đạt sự hoàn hảo về kĩ thuật?
Panenka là vậy! Giữa người hùng và tội đồ là rất mong manh. Chất nghệ thuật của Panenka là sự ngẫu hứng, bất ngờ. Sẽ thật là tai hại nếu cho rằng đó là cách để 1 cầu thủ thể hiện sự khác biệt hay bản lĩnh của mình…
|
Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016
BÌNH LUẬN: Công Phượng và mặt trái của Panenka
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét