Và với việc thuê Pep Guardiola, Bayern đã có một người “anti-Madridista” tiêu biểu nhất. Với Real, Pep Guardiola xứng danh là kẻ thù số 1. Người đàn ông Catalan này luôn gắn liền với những thất bại cay đắng nhất trong lịch sử CLB Hoàng gia Tây Ban Nha, kể cả trên vai trò HLV lẫn cầu thủ. Khi còn xỏ giày thi đấu, Pep là nhân vật quan trọng nhất, là chất kết dính cho “đội hình trong mơ” của Johan Cruyff (Barca mà mơ thì tất nhiên Real phải gặp toàn ác mộng). Khi đã là HLV, ông có một thành tích đối đầu hoành tráng mà không một HLV nào trong lịch sử Nou Camp có được. Chiến thắng 6-2 vào tháng 5/2009 đã đẩy Real vào một cuộc khủng hoảng mới và chính thức gạt cái tên HLV Juande Ramos ra khỏi bản đồ bóng đá đỉnh cao. Còn chiến thắng “bàn tay nhỏ” (5-0) là nỗi nhục, vết nhơ lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân của Jose Mourinho.
Pep là một fan Barca tiêu biểu, đến La Masia từ khi niên thiếu, kinh qua mọi vai trò từ nhặt bóng, cầu thủ, thủ quân, HLV đội trẻ và HLV trưởng. Ông tất nhiên phải căm thù Real đến tận xương tủy. Nhưng ngoài việc là một cule, Pep còn là một công dân điển hình của xứ Catalan nữa. Đấy là lý do ông luôn dồn mọi sức lực và tâm huyết khi đối đầu với Real.
Trở lại với trận thắng 6-2 vào tháng 5/2009 nêu trên. Trận đấu ấy diễn ra khi 3 ngày sau là trận bán kết Champions League với Chelsea. Barca đang hơn Real 4 điểm và chỉ cần hòa là có thể yên tâm về chức vô địch La Liga. Nhưng Pep đã yêu cầu tất cả các học trò hãy quên trận đấu với Chelsea đi mà dồn toàn lực cho trận El Clasico. Ông tung ra đội hình mạnh nhất và điều chỉnh theo từng diễn biến trên sân.
Hôm ấy Lionel Messi lần đầu tiên được thử nhiệm ở vai trò của một tiền đạo ảo, bước chuyển biến lớn nhất trong sự nghiệp của ngôi sao người Argentina. Và cuộc cách tân ấy mang lại thành công rực rỡ, không chỉ trong khuôn khổ trận El Clasico ấy mà còn cho cả kỷ nguyên rực rỡ của tiqui-taca sau này. Kết thúc trận đấu, Pep đã gọi đấy là một trong những ngày hạnh phúc nhất đời mình.
Huyền thoại Johan Cruyff cho biết khi còn là cầu thủ, Pep luôn đá cho Barca như thể “đại diện cho một đội tuyển quốc gia”. Năm 2012, Pep bỏ phiếu tán thành trong cuộc trưng cầu liệu Catalan có nên tách ra thành một quốc gia độc lập hay không. Tại một trong những cuộc họp báo trên vai trò HLV, khi được hỏi về sự thất thế của truyền thông Barcelona so với Madrid, Pep đã giải thích: “Vì chúng tôi chỉ là một quốc gia nhỏ bé”. Tháng 9/2011, Pep nhận huân chương danh dự của “Quốc hội Catalan” vì những đóng góp cho “đất nước”. Khi đến dự một hội thảo ở Mỹ lúc tạm nghỉ hưu, Pep cũng tranh thủ bàn về vấn đề tự do của Catalan nhân ngày “quốc khánh” của xứ này. Trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời, Pep bao giờ cũng khẳng định một cách đầy tự hào về gốc gác Catalan của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà dưới thời Pep, Barca luôn vào sân với rất nhiều cầu thủ Catalan trong đội hình. Ông mang Gerard Pique và Cesc Fabregas trở lại, bán đi những cầu thủ nước ngoài ngay cả khi đấy là những công thần để có chỗ cho những thành viên tự đào tạo. Kể cả dưới thời Cruyff, Barca cũng chưa từng ra sân với nhiều cầu thủ Catalan như dưới thời Pep. Ông làm điều đó vì La Masia là một, vì chính Catalan là hai.
Hôm nay, lần đầu tiên Pep trở lại Tây Ban Nha kể từ khi trở thành HLV của Bayern. Với các cầu thủ Bayern, Bernabeu là một sân bóng. Với Pep, đấy là một chiến trường, ông luôn xem Catalan là một quốc gia, Barcelona là quân đội và Pep là một cựu quân nhân. Mối thù với Real luôn tồn tại, dù Pep có nói ra hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét