Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Brazil nhận tin vừa buồn vừa vui về Neymar

Hôm nay, Brazil đã được nhận thông tin khá lạc quan về tình hình chấn thương của Neymar.

Trong chiến thắng nghẹt thở của Brazil trước Chile ở vòng 1/8, Neymar đã gặp chấn thương ở đùi và đầu gối. Tiền đạo này 2 lần phải nhờ đến sự chăm sóc của bộ phận y tế để có thể thi đấu đến hết trận.


Sau đó, người Brazil tỏ ra khá lo ngại cho chấn thương của Neymar, nhiều người sợ rằng “số 10” sẽ không kịp bình phục trước trận tứ kết với Colombia. Tuy vậy, bác sĩ của Selecao, Jose Luiz Runco khẳng định Neymar đủ sức tham dự trận đấu quan trọng này.

Đây rõ ràng là một tin vui với Selecao và người hâm mộ của họ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có điều khiến đội bóng áo vàng-xanh phải lo ngại. Dù kịp trở lại trước trận Colombia, nhưng Neymar sẽ bỏ lỡ hầu hết các buổi tập trước trận đấu này.

Thông tin được đích thân người phát ngôn của liên đoàn, Rodrigo Paiva xác nhận. Neymar đang có phong độ rất cao ở World Cup lần này và là “nhạc trưởng” trong lối chơi của Selecao. Nhiều người sợ rằng việc không thể tập luyện sẽ khiến “số 10” đánh mất cảm giác bóng và xuống phong độ. 

Jurgen Klinsmann sợ trọng tài… trả thù

HLV Jurgen Klinsmann tỏ ra lo lắng khi biết rằng trọng tài bắt chính trận đấu giữa Mỹ và Bỉ là ông Djamel Haimoudi, người Algeria.

Thực tế việc HLV Jurgen Klinsmann tỏ ra lo lắng là cơ cơ sở, bởi tuyển Mỹ từng đánh bại tuyển Algeria để vượt qua vòng bảng tại VCK World Cup 2010. Và điều này có thể khiến vị trọng tài Djamel Haimoudi gây khó dễ cho tuyển Mỹ.


"Cảm giác của tôi ư? Thực sự là tôi không thấy thoải mái chút nào. Ông ta [trọng tài Algeria] có thể nói tiếng Pháp với các cầu thủ của Bỉ ở trên sân, không phải là nói với chúng tôi", HLV người Đức nói.

"Tôi biết cũng không dễ dàng gì để luôn chọn được những trọng tài phù hợp cho các trận đấu nhưng Algeria từng bị tuyển Mỹ đánh bại ở VCK World Cup 2010. Tuy nhiên, tôi hi vọng vấn đề này không đáng để quan tâm". 

"Tôi biết trọng tài Djamel Haimoudi đã điều hành khá tốt hai trận đấu tại VCK Word Cup 2014. Tôi hi vọng ông tiếp tục cầm còi một cách công tâm”.

Rạng sáng ngày 2/7, Bỉ và Mỹ sẽ có cuộc đối đầu tại sân Arena Fonte Nova, thành phố Salvador để giành tấm vé cuối cùng lọt vào tứ kết. 

Với việc vượt qua vòng bảng bằng chuỗi trận toàn thắng giúp Bỉ được đánh giá cao hơn rất nhiều so với tuyển Mỹ của HLV Jurgen Klinsmann

Tuy nhiên, dù kết thúc vòng bảng bằng thành tích "hoành tráng" nhưng bầy Quỷ đỏ vẫn bộc lộ những hạn chế về kinh nghiệm. Nhược điểm đó có thể sẽ khiến họ gặp khó khăn khi phải đối đầu với một tuyển Mỹ hết sức tinh quái.

Vì Suarez, Tổng thống Uruguay chửi FIFA là lũ khốn nạn

Tổng thống Jose Mujica tỏ ra bức xúc trước án phạt mà Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA dành cho tiền đạo Luis Suarez.

Trong một phản ứng mới nhất liên quan tới vụ Luis Suarez bị cấm thi đấu 9 trận và cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong vòng 4 tháng, Tổng thống Uruguay vừa có động thái gây sốc khi công khai chỉ trích Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA. Vị Tổng thống đáng kính của Uruguay không ngần ngại nói FIFA là một... lũ khốn.


"Những người ở FIFA đúng là lũ khốn", Tổng thống Jose Mujica nói. Người phỏng vấn Tổng thống Jose Mujica sau đó hỏi họ có được đăng bình luận này không, ông Jose Mujica đáp: “Cứ đăng đi".

Tổng thống Mujica sau đó thừa nhận, Suarez xứng đáng bị phạt cho việc cắn Chiellini. Nhưng ông cũng cho rằng mức phạt mà FIFA đưa ra là quá nặng.

"Họ có thể trừng phạt cậu ấy [Suarez] mà không cần phải đưa ra lệnh cấm phát xít như vậy", Tổng thống của Uruguay nói thêm.

Đứng bên cạnh chồng trong lúc phỏng vấn, bà Lucia Topolansky, một Thượng nghị sĩ cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ những phát biểu của Tổng thống.

Thứ Bảy tuần trước, Suarez đã lên khẳng định anh không cắn Chiellini, mà chỉ bị mất cân bằng và đập mặt vào vai cầu thủ đối phương. Nhưng trong động thái mới nhất, tiền đạo thuộc biên chế của Liverpool đã công khai trên mạng xã hội lời xin lỗi đồng nghiệp và hứa sẽ không tái phạm.

Đức 2-1 Algeria: Hú hồn Xe tăng

Dù được đánh giá cao hơn rất nhiều so với Algeria nhưng đội tuyển Đức đã trải qua trận đấu hú vía. Họ chỉ có thể vượt qua đại diện châu Phi trong hiệp phụ với tỷ số 2-1.

Trước trận đấu với Algeria, giới mộ điệu đã đánh giá rất cao ĐT Đức, nhất là sau những gì họ đã trình diễn ở vòng bảng năm nay. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy Die Mannschaft đã gặp quá nhiều khó khăn trước đối thủ này.


Trước lối chơi quyết tâm cao của những cầu thủ Algeria, đoàn quân của HLV J.Low đã không thể hiện được mình. Thậm chí, họ không ít lần đã bị chết hụt. Chỉ tới khi trận đấu bước sang hiệp phụ, những người Đức mới thể hiện được đẳng cấp để vượt lên giành chiến thắng với tỷ số 2-1.

Bước vào trận đấu này, ĐT Đức ra sân với 1 sự thay đổi. Chấn thương của trung vệ Hummels đã buộc HLV J.Low kéo J.Boateng vào đá cặp với Mertesacker, trong khi đó, cầu thủ Mustafi được sử dụng ngay từ đầu bên hàng lang phải hàng thủ.

Trong khi đó, Algeria cũng đã thay tới nửa đội hình chính ở vòng bảng do không ít tuyển thủ của họ đang trải qua tháng lễ Ramadan. Tuy nhiên, có một điều không hề thay đổi ở Algeria, đó là quyết tâm rất cao của toàn đội.

Ngay sau tiếng còi khai cuộc, Algeria đã thể hiện lối chơi rất chủ động. Họ chấp nhận chơi phòng ngự trước Đức và tung ra những đòn phản công chớp nhoáng. Đại diện châu Phi thành công với lối chơi này. Họ luôn khiến hàng thủ ĐT Đức đặt trong thế báo động. 

Hầu hết cơ hội nguy hiểm trong thời gian đầu trận đều thuộc về Algeria. Ngay ở phút thứ 9, họ đã khiến thủ thành Neuer phải rời rất xa khung thành để cản phá tình huống phản công được phát động bởi Taider. 1 phút sau, tới lượt Feghouli đi bóng khuấy đảo hàng thủ Đức nhưng đáng tiếc, tiền vệ này lại quá tham lam và quyết định kết thúc ngay từ góc hẹp.

Trước lối chơi đầy hợp lý của các cầu thủ Algeria, chưa bao giờ người ta lại thấy ĐT Đức mong manh đến vậy. Không dưới 1 lần trong 45 phút đầu tiên, thủ thành Neuer đã bỏ khung gỗ để ngăn chặn những đợt phản công nguy hiểm của đối thủ này.

Trong hiệp 1, Die Mannschaft cũng có cơ hội để mở tỷ số. Tuy nhiên, sự xuất sắc của người gác đền Rais M'Bolhi đã từ chối hai pha dứt điểm liên tiếp của Toni Kroos và Mario Gotze. Hiệp 1 khép lại trong sự thất vọng của người Đức.

Ngay đầu hiệp 2, HLV J.Low đã quyết định tung Andre Schuerrle vào sân thay thế Mario Gotze hòng thay đổi tình hình. Thực tế, sự thay đổi này đã giúp lối chơi của “Những cỗ xe tăng” trở nên sáng hơn. ĐT Đức đã tạo được vài cơ hội nguy hiểm trong thời gian đầu hiệp đấu này.

Trong khi đó, Algeria vẫn tiềm ẩn sự nguy hiểm từ những pha phản công chớp nhoáng. Tuy nhiên, họ vẫn thiếu đi chút sắc sảo trong những pha xử lý cuối cùng để trừng phạt người Đức.

Những phút cuối, ĐT Đức đã tăng cường sức ép hòng bóp nghẹt Algeria nhưng Muller và các đồng đội không thể tận dụng thành công những cơ hội và chấp nhận bước vào hiệp phụ để phân định thắng thua với đại diện châu Phi.

Bước sang hiệp phụ, ĐT Đức đã thể hiện bản lĩnh của mình. Khi hiệp phụ thứ 1 mới bắt đầu được 2 phút, họ đã có bàn thắng do công của Andre Schuerrle sau pha băng vào dứt điểm đẳng cấp từ đường chuyền của Muller.

Tới phút thứ 118, Mesut Ozil đã củng cố chiến thắng cho người Đức với bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0. Tuy nhiên, Algeria không hề “chết”. Phút 119, họ đã níu giữ hy vọng với pha lập công của Djabou. Họ cũng khiến người Đức phải rất chật vật để bảo vệ thành quả trong những phút ngắn ngủi còn lại.

Dù bị loại nhưng Algeria xứng đáng nhận được những lời khen ngợi về tinh thần chiến đấu. Trong khi đó, ĐT Đức đã lọt vào tứ kết trong sự âu lo nhất định. Đối thủ của họ trong vòng đấu tiếp theo là ĐT Pháp.

Với những sự đột biến trong trận đấu này, khi đặt dấu giày trong cả hai bàn thắng của ĐT Đức, tiền vệ Schurrle đã được chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất với 8 điểm.

Paul Pogba "giải cứu" tuyển Pháp

Với một bàn thắng cùng màn trình diễn khá xuất sắc, tiền đạo 21 tuổi Paul Pogba được đội ngũ chuyên môn của FIFA bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất trận Pháp – Nigeria.


Đối mặt với đại diện châu Phi Nigeria dồi dào về thể lực, tuyển Pháp đã có một trận đấu hết sức khó khăn trong việc tìm kiếm đường vào khung thành thủ môn Vincent Enyeama (Nigeria). Ngoài sự xuất sắc của người gác đền bên phía Nigeria phải kể đến sự vô duyên của các chân sút tuyển Pháp.

Paul Pogba ăn mừng bàn thắng vào lưới Nigeria. 

Trong bối cảnh đó, tiền đạo Paul Pogba đã lên tiếng với bàn thắng cực kỳ quan trọng ở phút 79. Pha lập công của Pogba đã giải phóng áp lực dồn nén trên đôi chân của các cầu thủ Pháp kể từ đầu trận. Ngoài ra, bàn thắng này đã ít nhiều “đánh sập” tinh thần thi đấu quật cường của đội bóng châu Phi sau tiếng còi nhập cuộc. Từ đó, Pháp dễ triễn khai lối chơi và có thêm bàn thắng thứ hai.

Theo thống kê của FIFA, Paul Pogba thi đấu cực kì hiệu quả ở trận đấu này. Cụ thể, Pogba đã di chuyển tổng quảng đường 9351m, tung ra 57 đường chuyền chuẩn xác, có 4 cú dứt điểm và ghi một bàn thắng.

Ngoài sự xuất sắc của Pogba, một cầu thủ khác cũng rất đáng nhận được lời khen chính là thủ môn Vincent Enyeama. Ở trận này, Enyeama đã có những pha cản phá không tưởng để cứu thua cho Nigeria. Chính sự xuất sắc này đã giúp "siêu đại bàng xanh" giữ sạch lưới trong gần 80 phút của trận đấu.

HLV Brendan Rodgers nhận bằng đại học danh dựHLV Brendan Rodgers của Liverpool vừa được đại học Ulster trao bằng học vị danh dự vì những đóng góp cho thể thao.

HLV Brendan Rodgers của Liverpool vừa được đại học Ulster trao bằng học vị danh dự vì những đóng góp cho thể thao.


Ở mùa giải vừa qua, HLV Brendan Rodgers đã giúp Liverpool thi đấu ấn tượng tại Premier League và kết thúc giải với vị trí thứ 2, chỉ thua Manchester City 2 điểm.



Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, HLV Brendan Rodgers cho biết Liverpool sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng trong thời gian tới để thi đấu ở Champions League.

Nhân sự kiện này, cánh phóng viên đã không quên đặt câu hỏi về tương lai của tiền đạo Luis Suarez tại Liverpool sau vụ 'cẩu xực' trung vệ Giorgio Chiellini. Song, HLV Brendan Rodgers đã từ chối bình luận.

Tân binh Herrera lần đầu phỏng vấn tại M.U

Chữ kí đầu tiên trong mùa hè Ander Herrera vừa có cuộc phỏng vấn chính thức đầu tiên với kênh MUTV để diễn tả sự hào hứng khi được đầu quân cho Man United và được dẫn dắt bởi tân HLV Van Gaal.


Tiền vệ người Tây Ban Nha đã gia nhập đội chủ sân Old Trafford với giá 29 triệu Bảng (36 triệu Euro). Trả lời kênh MUTV, cựu cầu thủ của Bilbao cho biết: “HLV Van Gaal là một trong những HLV tốt nhất trên thế giới. Với tôi, tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc cùng ông ấy. Tôi muốn học hỏi thật nhiều và không thể chờ đợi hơn để thi đấu cho Van Gaal, cho CLB cùng với những đồng đội mới”.

Herrera tại trung tâm huấn luyện của M.U

Herrera cũng phấn khích với chuyến du đấu Bắc Mỹ sắp tới của Quỷ đỏ: “Tôi rất phấn khích khi biết các trận du đấu đầu mùa sẽ diễn ra ở Mỹ, nơi cũng có các đội khách mời chất lượng là Roma và Inter Milan”.

Tiền vệ 24 tuổi chia sẻ thêm về những đồng hương là thủ môn De Gea và tiền vệ Juan Mata, những người sẽ giúp cầu thủ xứ Basque hòa nhập môi trường tại Anh: “Tôi biết rằng họ rất vui vẻ chào đón tôi. Tôi đã nói chuyện và được kể rằng đây là CLB lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi là những người bạn tốt và tôi chắc là họ sẽ giúp tôi thích nghi nhanh chóng với cuộc sống mới”.

World Cup và sự nghiệt ngã của cuộc đấu tay đôi

Những trận đấu loại trực tiếp tại World Cup 2014 năm nay đang diễn ra hết sức kịch tính và bất ngờ, NHM đã được trải qua hết mọi cung bậc cảm xúc này tới cung bậc cảm xúc khác và sau bốn trận đấu đầu tiên của vòng knoc out đã có những cái chết đầy oan nghiệt của những đội bóng chơi hay hơn trong phần lớn thời gian của trận đấu để rồi gục ngã ở những phút giây định mệnh tiêu biểu nhất là Chile và Mexico.


Bốn trận đấu đã qua thì ngoài sự chênh lệch ở cuộc đọ sức giữa Colombia và Uruguay, tất cả đều rất căng thẳng kịch tính đến những giây phút cuối cùng đã có 2 trận đấu phải giải quyết trên chấm 11m đầy may rủi, đã có những người hùng trở thành tội đồ chỉ trong một khoảnh khắc, đã có những giọt nước mắt hạnh phúc, đã có những niềm vui vỡ òa cùng với đó là nỗi buồn sâu thẳm của các đội bóng bại trận, sự hà khắc của những cuộc đối đầu một một không cho phép sai lầm dù là nhỏ nhất, không cho phép một sự run sợ ở những thời khắc như thế cần một cái đầu lạnh, cần một sự bản lĩnh và sự tự tin lì lợm cao độ.


Mexico đã có một ngày thi đấu xuất sắc, nhưng vẫn bị loại. 

Đơn cử như trường hợp của Sanchez đầu tàu của đội tuyển Chile, anh đã dẫn dắt đội bóng của mình chơi ngang ngửa nếu không muốn nói là trên cơ đội chủ nhà Brazil và cũng chính anh là người đã ghi bàn thắng gỡ hòa nhưng trên chấm 11m định mệnh quyết định tấm vé vào vòng trong anh đã không thắng nổi thủ thành Cesar. Một người đồng đội khác của Sanchez là tiền đạo Pinilla có lẽ đã trở thành người hùng dân tộc nếu như bóng đi vào lưới chứ không phải dội xà ngang ở những phút cuối cùng của hiệp phụ để rồi cũng trên chấm penanty anh trở thành tội đồ, một cái chết quá oan nghiệt và ranh giới sinh tử quả thực quá mong manh.

Cái chết của Mexico cũng đầy bi tráng, họ đã khiến những cơn lốc mầu da cam trở nên nhạt nhòa trong phần lớn thời gian của trận đấu và tưởng như họ đã có được chiến thắng cùng tấm vé vào vòng trong thì những khoảnh khắc thiên tài bên phía Hà Lan đã đưa họ từ cõi chết trở về, Sneijder người chơi dưới phong độ từ đầu giải đấu tới giờ bỗng chốc trở thành người hùng trong khi người đội trưởng đầy kinh nghiệm bên phía Mexico người đã chơi tuyệt hay lại trở thành tội đồ trước sự tinh quái của Roben, trận đấu kết thúc các cầu thủ Mexico ngã gục trên sân như không tin vào những gì vừa diễn ra, còn CĐV của họ đã chết lặng trên các khán đài cùng những giọt nước mắt ngân dài trên má.

Đội tuyển Hy Lạp những người chuyên viết những câu chuyện thần thoại trên sân bóng cũng đã phải nếm trải cảm giác cay đắng trên chấm luân lưu, họ đã thi đấu vô cùng nỗ lực, đã đạt được điều mình cần là đưa trận đấu đến loạt đấu súng định mệnh để rồi họ gục gã trươc một Costa Rica bản lĩnh hơn, lạnh lùng hơn chỉ bằng một pha sút hỏng, nói như thế để có thể thấy rắng World Cup năm nay thật hà khắc, khoảng cách giữa các đội bóng dường như là không có, những cái tên tưởng như chênh lệch về đẳng cấp nhưng thực tế trên sân đã chứng minh điều ngược lại, những thế trận cân bằng, giằng co và chỉ được định đoạt ở những khoảng khắc, những cái chết quá nghiệt ngã nhưng đó là một phần của bóng đá, cũng chính là sự hấp dẫn nhất mà môn thể thao vua mang lại.

Từ giờ cho đến khi tìm ra nhà vô địch của giải đấu sẽ còn rất nhiều những cuộc đấu tay đôi nảy lửa, sẽ còn nhiều những cảm xúc đối lập, sẽ còn nhiều giọt nước mắt phải rơi xuống, thế mới biết vì sao World Cup lại cuốn hút và say mê đến thế.

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Lãnh đạo Brazil đấm cầu thủ Chile trong đường hầm

FIFA vừa mở cuộc điều tra sau khi xuất hiện cáo buộc, Giám đốc truyền thông của Brazil, ông Rodrigo Paiva đã vung tay đấm tiền đạo Pinilla của Chile trong đường hầm SVĐ Mineirao.

Trận đấu đầu tiên của vòng 1/8 World Cup 2014 hôm 28/6 đã khép lại với rất nhiều tình tiết đáng quan tâm. Trong đó đáng chú ý nhất chính là pha đánh người của Giám đốc truyền thông tuyển Brazil, ông Rodrigo Paiva đối với cầu thủ Pinilla của Chile.


Sự việc xảy ra trong khoảng thời gian nghỉ giữa hai hiệp. Giới truyền thông Brazil tiết lộ Paiva và trợ lý HLV Sebastian Beccacece của Chile đã có những lời qua tiếng lại và kết quả là Paiva đã “tặng” cho tiền đạo Pinilla một cú đấm thẳng vào mặt.

Hiện FIFA đã vào cuộc để điều tra vụ việc này. Về phía bên liên quan, Rodrigo Paiva cũng đã lên tiếng. Vị Giám đốc truyền thông tuyển Brazil thừa nhận có hành vi xô đẩy với Pinilla, nhưng cho rằng, đó chỉ là hành động mang tính chất tự vệ.

“Pinilla tiến về phía tôi và tôi phải tự bảo vệ mình. Phản ứng lúc đó là đẩy anh ta ra xa", Rodrigo Paiva phân trần.

Mauricio Pinilla là tiền đạo được tung vào sân thay người và suýt chút nữa ghi bàn thắng cho Chile ở hiệp phụ. Nhưng đáng tiếc là xà ngang đã từ chối cú dứt điểm trái phá của anh.

Ở loạt đấu súng cân não, Pinilla là một trong 3 cầu thủ Chile sút hỏng phạt đền khiến La Roja thua 2-3 và buộc phải dừng bước tại vòng knock-out.

Hà Lan 2-1 Mexico: Ăn nhau phút cuối!

Mexico đã chơi tốt và dẫn bàn đến phút 88 của trận đấu, nhưng chỉ trong vài phút cuối trận, hệ thống phòng ngự của họ đã vỡ vụn trước sức ép và sự tỏa sáng của các ngôi sao người Hà Lan.

Không phải Hà Lan, Mexico mới là người chơi lấn lướt hơn trong thời gian đầu của trận đấu. Thời tiết nắng nóng khó chịu lúc 1 giờ trưa ở Brazil khiến các cầu thủ Hà Lan thất thế hơn hẳn đội bóng của Herrera. Chỉ đến khi Mexico bất ngờ có bàn mở tỉ số ở đầu hiệp 2 nhờ công của Dos Santos và lui về phòng ngự chủ động, Hà Lan mới có thể cầm bóng tổ chức tấn công nhiều hơn.


Trong thế bế tắc, các sự thay đổi của Louis van Gaal lại tạo ra khác biệt. Chỉ ít phút sau khi vào sân, Klaas-Jan Huntelaar đã có pha đánh đầu chuyền bóng cực hợp lý cho Wesley Sneijder ghi bàn thắng gỡ hòa, trước khi chính anh hạ gục Ochoa trên chấm 11m ở các phút bù giờ cuối cùng, mang về chiến thắng nghẹt thở cho người Hà Lan.

Trở lại với trận đấu, cả 2 đội đều ra sân với sơ đồ quen thuộc 3-5-2, nhưng Mexico, với lợi thế về việc thích nghi với điều kiện thời tiết tốt hơn, mới là đội chơi trên chân cho dù họ vốn không được đánh giá cao bằng Hà Lan. Dù luôn tập trung số đông ở sân nhà, nhưng hệ thống phòng ngự của Hà Lan lại không cho thấy sự chắc chắn cần thiết. Có nhiều thời điểm, hàng phòng ngự của Oranje có đến... 7 cầu thủ giăng ngang, nhưng nó vẫn nhanh chóng bị phá vỡ bởi các pha chọc khe thông minh của Mexico. 

Cực chẳng đã, nhập cuộc có vấn đề, Hà Lan lại gặp thêm vận rủi khi tiền vệ phòng ngự De Jong sớm phải rời sân ngay ở phút thứ 9 vì chấn thương. Tình thế buộc Van Gaal phải tung hậu vệ Indi vào sân và đưa Blind lên đá thay vị trí của De Jong. Chính sự thay đổi này khiến thế trận vốn đã kém cỏi của Hà Lan càng trở nên tệ hơn sau đó. Có cảm giác, Hà Lan có thể bị xuyên thủng bất cứ lúc nào Mexico tăng tốc. 

May mắn cho họ, phía trên, Robben và Van Persie vẫn chịu khó di chuyển dưới cái nóng khủng khiếp của Estádio Castelão. Chính sức ép của bộ đôi này tạo ra, dù không lớn nhưng cũng đủ khiến Mexico không dám mạo hiểm đẩy cao đội hình quá mức. Trong suốt hiệp 1, Hà Lan luôn cố gắng giảm nhịp độ và duy trì thế trận giằng co để hạn chế sự hưng phấn trong lối đá của Mexico. Cả hiệp, họ có đúng 1 cú sút trượt của Van Persie. Trong khi đó, Mexico có ít nhất 2 lần tạo ra sóng gió thực sự trước khung thành của Cillessen với các cú sút của Salcido và dos Santos. Tỉ số 0-0 được duy trì cho đến giờ nghỉ.

Bước sang hiệp 2, Mexico chủ động tăng tốc, tuy nhiên, bước ngoặt của họ lại đến từ một nỗ lực cá nhân, từ rất sớm. Ngay phút 48, Giovani dos Santos đã đi bóng kỹ thuật trước khi tung ra cú sút xa nửa nẩy đánh bại Cillessen, mở điểm cho El Tri! Sức nóng ở Estádio Castelão dường như càng trở nên nóng bỏng hơn nhiều lần với người Hà Lan.

Thực tế, những phút sau đó tiếp tục chứng kiến sự bế tắc của Oranje. Trong một trận đấu mà Van Persie thi đấu mờ nhạt vì nền tảng thể lực yếu, mọi hy vọng của người Hà Lan đổ dồn vào Robben. Tuy vậy, ngôi sao này cũng không có nhiều đất diễn. Chỉ đến khi Mexico chủ động nhường thế trận và tập trung phòng ngự số đông, Robben mới có nhiều khoảng không hơn để cầm bóng đột phá đâm thẳng vào vòng cấm địa của Mexico. Một trong những tình huống đáng chú ý nhất, Robben đã đánh bại Marquez và đối mặt với thủ thành Ochoa, nhưng góc sút quá hẹp khiến anh không thể ghi bàn. 


Sự bế tắc khiến Van Gaal phải thay đổi, sau khi tung "thần tài" Depay vào sân mà "không ăn thua", chiến lược gia này chơi canh bạc tất tay bằng việc rút chân sút chủ lực, đội trưởng Van Persie ra sân nhường chỗ cho Klaas-Jan Huntelaar. Và sự thay đổi này mang đến hiệu ứng tức thì. Không kỹ  thuật và tinh tế bằng Van Persie, nhưng Huntelaar khỏe hơn, tranh chấp bóng bổng mạnh hơn và phù hợp hơn với các nỗ lực tấn công cuối cùng của Hà Lan. 

Chỉ hơn 10 phút sau khi có mặt trên sân, Huntelaar đã tỏa sáng. Trong pha dàn xếp đá phạt góc của Hà Lan, tiền đạo số 19 đã chủ động đánh đầu chuyền ra rất hợp lý cho Sneijder sút tung lưới Mexico trong sự bất lực của Ochoa, người đã bắt cực hay trước đó. 1-1 cho Hà Lan. Kịch tính của trận đấu bắt đầu gia tăng khi Hà Lan cho thấy họ không muốn kéo dài thời gian thi đấu sang hiệp phụ. 

Vài phút cuối cùng của trận đấu, đội bóng áo cam vẫn cố gắng lao lên tìm kiếm thêm bàn thắng. Và các nỗ lực của họ đã được đền đáp. Phút 90+2, Robben tỏa sáng với pha đi bóng lắt léo trong vòng cấm địa của Mexico và mang về quả phạt đền cho Hà Lan. Ở tình huống này, đội trưởng của Mexico, Marquez đã thò chân ra chậm hơn 1 nhịp so với Robben và bị trọng tài thổi phạt khá đáng tiếc. Trên chấm phạt đền cân não, Huntelaar lạnh lùng đánh bại Ochoa, nâng tỉ số lên 2-1 cho Hà Lan! Quãng thời gian còn lại là quá ít để Mexico có thể thay đổi tình thế và họ như đổ gục cả xuống khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.

Thua đau trong vòng ít phút cuối, Mexico buộc phải chia tay World Cup 2014 đầy tiếc nuối, trong một trận đấu mà nhiều người tin rằng họ xứng đáng đi tiếp hơn Hà Lan. Trong khi đó, Hà Lan của Van Gaal tiếp tục cho thấy cái duyên chiến thắng rất đáng sợ của họ ở vòng chung kết năm nay. Dù không quá thuyết phục, nhưng Hà Lan có được điều quan trọng nhất là chiếc vé vào vòng Tứ kết, và từ giờ đến đó, Van Gaal có đủ thời gian để rút kinh nghiệm cho lối chơi có phần kém cỏi của Oranje ở trận này.

Hãy mỉm cười Chile nhé!

Giấc mơ của người Chile tại World Cup 2014 đã chính thức khép lại sau loạt sút luân lưu đầy may rủi trước chủ nhà Brasil. Người hâm mộ có quyền tiếc cho những gì họ thể hiện trong suốt những trận đấu đã qua. Chile xứng đáng được tán dương, khen ngợi. Nhưng bóng đá là vậy, thắng thua là chuyện bình thường. Và Chile cũng không cần phải tiếc nuối nhiều về điều đó. Bởi lẽ, họ đã chơi đầy quả cảm và chỉ chịu thua trước sự may mắn của chủ nhà Brasil.


Chile bước vào vòng 1/8 gặp chủ nhà Brasil với cái dớp lịch sử trên vai. Họ chưa bao giờ thắng Brasil tại một VCK World Cup. Lần gần nhất trên đất Nam Phi 2010, Chile cũng gục ngã một cách dễ dàng trước đội bóng áo vàng – xanh. Dường như đó là cái bóng quá lớn của người khổng lồ Brasil. Nhưng lần này, những người ai theo dõi Chile từ vòng đấu bảng đã có thể lạc quan về kết quả tốt đẹp cho đội bóng của HLV Jorge Sampaoli. 

Đội tuyển Chile đã bị loại bởi Brazil trên chấm penalty.

Thực tế trên sân đã cho thấy điều đó. Chile chơi xông xáo, quyết liệt, không ngại va chạm. Hàng tiền vệ với những Vidal, Medel đã chặn đứng hầu hết các đợt lên bóng của chủ nhà Brasil. Chính sự cơ động trong lối chơi đã khiến cho những Oscar hay Gustavo hoàn toàn mất đi độ sáng tạo. Neymar chưa đạt thể trạng tốt nhất đã không làm gì được nhiều trước hàng thủ được tổ chức chặt chẽ bên phía Chile cùng sự xuất sắc của thủ thành Bravo. Dưới sự dẫn dắt của ngôi sao Alexis Sanchez, Chile đã chơi một thứ bóng đá có thể nói đơn giản nhưng đầy hiệu quả. Không phải Brasil mà chính Chile mới là đội cầm bóng nhiều hơn và có thế trận chủ động như mong muốn. 

Điều đó không quá bất ngờ với người hâm mộ. Chile hiện tại đã khác rất nhiều. HLV Sampaoli đã xây dựng nên một Chile đầy bản lĩnh, thông minh và có thừa sự tinh quái để có thể thay đổi được cục diện. Nhìn vào tổng thể trận đấu, Chile là đội chơi hay hơn. Và nếu may mắn hơn thì cú sút của Pinilla ở cuối trận đã đưa Brasil trở về với cõi chết. 

Xét một cách công bằng, đội hình của Chile không thể sánh được với những người bên kia chiến tuyến. Nhưng ở Chile là một sự pha trộn của nhiều cầu thủ thi đấu ở khắp Châu Âu. Chính điều đó đã tạo nên sự đa dạng trong lối chơi của một đội bóng Nam Mỹ. Nhìn cái cách Chile vượt qua Australia ở vòng bảng, người ta sẽ thấy rõ điều đó. Chile đã xuất sắc đánh bại các nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha bằng lối đá mạnh mẽ, áp sát và chặt chẽ, khoa học đặc trưng của Châu Âu. 

Người Chile có thể tự hào vì những gì đội bóng của mình đã làm được. Họ đã khiến cho lối chơi tiki–taka lừng danh phải phá sản, khiến cho cơn lốc màu da cam nhiều lần chao đảo và suýt chút nữa biến chủ nhà Brasil thành kẻ ngoài cuộc. Không nhiều đội bóng làm được điều tương tự như họ ở World Cup lần này. Một thế hệ được cho là sáng giá với nhiều tài năng đang ở độ chín của sự nghiệp. Chile đã thổi vào World Cup 2014 một bản sắc riêng của mình. 

Khi Pinila sút bóng dội sà ngang ở cuối trận và Gonzalo Jara sút hỏng quả penalty quyết định thì số phận dường như không mỉm cười với người Chile. Nhiều cổ động viên của họ trên khán đài đã bật khóc. Phụ nữ, đàn ông tất cả đều khóc. Họ khóc cho một giấc mơ đẹp đã gần tới ngưỡng cửa biến thành sự thật nhưng rốt cuộc đã vĩnh viễn rời xa. Họ hiểu rằng giấc mơ của người Chile ở World Cup 2014 đã vụt tắt. 

Các cầu thủ Chile đã cháy hết mình ở World Cup lần này. Những Sanchez hay Vidal vẫn là những tên tuổi hàng đầu của làng bóng đá thế giới. Họ đều thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của dân tộc. Đất nước Chile sẽ chào đón họ nhưng những người hùng. Dù thật sự vẫn có đôi chút gì đó tiếc nuối, nghẹn ngào. 

Bóng đá suy cho cùng cũng chỉ là một cuộc chơi đầy những may rủi. Người Chile hôm nay thua cũng bởi một phần do định mệnh. Số phận đã không mỉm cười với họ. May mắn đã đứng về phía những người Brasil. Phải chăng, World Cup 2014 là World Cup của người Brasil? Điều đó còn phải chờ đợi câu trả lời đích thực.

Xin cảm ơn tất cả những gì Chile đã mang lại. Cảm ơn tất cả màn trình diễn của họ. Bóng đá là vậy! Dù sao thì hãy luôn mỉm cười, Chile nhé!

Robben xin lỗi vì 'ăn vạ'

Cầu thủ chạy cánh Arjen Robben đã lên tiếng xin lỗi vì màn 'ăn vạ' trong chiến thắng 2-1 của Hà Lan trước Mexico.


Ở trận đấu trên, Hà Lan bất ngờ bị Mexico dẫn bàn và chỉ có thể đánh bại được đối thủ trong những phút bù giờ cuối trận. Đáng chú ý là tình huống Robben bị hậu vệ Rafael Marquez đốn ngã trong vòng cấm địa, qua đó giúp Hà Lan được trọng tài thưởng một quả phạt đền.

Sau trận đấu, Robben đã xin lỗi và thừa nhận bản thân ăn vạ... nhưng không phải trong tình huống cuối hiệp 2. "Tôi phải xin lỗi. Song, tình huống cuối trận là 1 quả phạt đền. Còn trong hiệp 1, tôi đã ăn vạ. Đáng lý bản thân không nên làm như vậy", Robben nói.

Ngoài ra, cầu thủ chạy cánh này cũng tiết lộ lý do vì sao lại tin tưởng Huntelaar, tác giả bàn ấn định tỷ số, khi nhường quyền đá phạt đền cho người đồng đội. "Thông thường, tôi rất thoải mái khi thực hiện quả 11 mét. Nhưng lần này, tôi bị đối phương đốn ngã. Theo đó, tôi nghĩ Huntelaar sẽ thực hiện pha sút phạt đền tốt hơn", Robben cho biết.

Người Brazil trong nỗi nhớ về “người ngoài hành tinh” Ronaldo

Bóng đá Brazil trải qua từng giai đoạn luôn sản sinh ra những tiền đạo cắm đẳng cấp. Thế nhưng ở kỳ World Cup lần này, có lẽ vị trí trung phong là nỗi thất vọng lớn nhất trong đội hình của “Selecao”. Xem cái cách Fred hay Jo thi đấu trên sân, người Brazil lại càng cảm thấy nhớ bóng dáng của “người ngoài hành tinh” Ronaldo thủa nào. 


Ronaldo có lẽ là một trong số những tiền đạo xuất sắc nhất mọi thời đại không chỉ của bóng đá Brazil mà còn của cả thế giới. Cụm từ “người ngoài hành tinh” là biệt danh người hâm mộ đặt cho anh đã nói lên tất cả về những khả năng phi thường trên sân cỏ mà Ronaldo làm được. Ronaldo đứng hạng 9 trong cuộc bầu chọn 100 cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ 20. Cùng với đó là Năm 2007 tạp chí France Football bầu anh vào đội hình 11 cầu thủ giỏi nhất mọi thời đại.

Ronaldo là một trong những tiền đạo cắm xuất sắc nhất mọi thời đại của đội tuyển Brazil. 
Trong màu áo đội tuyển Quốc gia, Ronaldo cũng đã từng giành được không ít những danh hiệu cao quý cùng với đội tuyển Brazil mà đỉnh cao là chức vô địch ở World Cup 2002. Đó là giải đấu mà “người ngoài hành tinh” đã giành danh hiệu vua phá lưới với 8 bàn thắng, phá vỡ mức 6 bàn của một vua phá lưới đã có từ năm 1986. Cho đến khi kết thúc sự nghiệp khoác áo đội tuyển Quốc gia, Ronaldo là người đã nắm giữ kỷ lục cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất ở sân chơi World Cup với 15 bàn. Chính anh cũng là người được xếp hạng cầu thủ bóng đá chấm điểm cao nhất trong đội hình 11 hảo thủ của các kỳ World Cup.

Người ta thấy ở Ronaldo đó là những pha bứt tốc độ kinh hồn, bên cạnh đó là khả năng đi bóng đầy mê hoặc cùng những pha dứt điểm tuyệt vời đã khiến Ronaldo trở thành huyền thoại trong lòng những người yêu bóng đá. Ronaldo giống như một người nghệ sĩ thực thụ với những bước chạy đầy đam mê trên sân cỏ. Khả năng dứt điểm đa dạng, chạy chỗ khôn ngoan cùng với kĩ năng chơi bóng tuyệt vời, Ronaldo hội tụ đầy đủ mọi tố chất của một trong những sát thủ hàng đầu trong vòng cấm.

Thế nhưng những hình ảnh này giờ đây đã trở thành dĩ vãng. World Cup 2006 là giải đấu cuối cùng Ronaldo tham dự. Kể từ sau thế hệ của Ronaldo, Brazil vẫn chưa thể tìm được một tiền đạo đẳng cấp nào có thể khoả lấp vị trí mà “người ngoài hành tinh” để lại. Ở World Cup năm nay huấn luyện viên Felipe Scolari đã quyết định đặt niềm tin vào tiền đạo Fred, một cầu thủ đã để lại nhiều ấn tượng ở Confederations Cup 2013.

Trái với phong độ ở một năm về trước, ở World Cup lần này những gì mà cầu thủ số 9 bên phía Brazil làm được là hết sức nhạt nhoà. Sau ba trận ở vòng đấu bảng Fred chỉ ghi vẻn vẹn duy nhất một bàn thắng và đó là bàn thắng trong chiến thắng trước đối thủ yếu nhất bảng Cameroon. Đó thực sự là một thành tích hết sức thất vọng đối với một cầu thủ được giao trọng trách đá trung phong trong đội hình của “Selecao”.

Fred là nỗi thất vọng trên hàng tiền đạo của Brazil ở World Cup 2014. 
Mới đây nhất trong trận đấu với Chile ở vòng 16 đội, Fred cũng để lại sự thất vọng đối với người hâm mộ. Trong khoảng thời gian 64 phút có mặt trên sân Fred dường như không để lại bất kỳ dấu ấn nào thực sự nổi bật ngoại trừ tính huống sút bóng vọt xà đầy đáng tiếc ở phút 39. Một trung phong cắm thực thụ nữa của đội tuyển Brazil ở giải đấu năm nay chính là Jo. Anh được đưa vào sân thay cho Fred.

Nhưng cũng không khá hơn so với người đồng đội, Jo thi đấu khá mờ nhạt và tỏ ra vô duyên trong vòng cấm. Jo thiếu đi sự nhanh nhẹn và độ nhạy cảm cần thiết để có thể mang đến bàn thắng. Tình huống lao vào và bỏ lỡ của Jo ở phút 75 đã minh chứng cho điều đó. Khi mà vai trò của những tiền đạo cắm không được phát huy tốt, Brazil đã gặp bế tắc trong việc tìm đường vào khung thành khi đối đầu với những đối thủ xứng tầm như Mexico hay Chile.

Rõ ràng đội tuyển Brazil đang thiếu đi một trung phong cắm điển hình và đẳng cấp ở World Cup lần này. Hai tiền đạo cắm đích thực được Felipe Scolari thường xuyên sử dụng là Fred và Jo đều không chứng minh được giá trị của mình. Hy vọng rằng trong thời gian tới hàng công của Brazil sẽ chơi khởi sắc hơn và chúng ta sẽ cùng chờ đợi vào những màn trình diễn tiếp theo của những vũ công Samba.

Raul than vãn World Cup của châu Âu

Raul laments Europe’s World Cup

Tiền đạo huyền thoại người Tây Ban Nha đã nói về sự thất vọng của mình tại các buổi biểu diễn nghèo của các quốc gia của châu lục tại giải đấu mùa hè này ở Brazil.

Cựu tiền đạo Tây Ban Nha Raul cho biết đã nhận xét về kỷ lục underwhelming của các đội bóng châu Âu tại World Cup đang diễn ra, theo đánh giá của mình. 

Trong số 13 đại diện châu Âu để có đủ điều kiện cho giải đấu tại Brazil, bảy đã được loại bỏ. Cựu vô địch World Cup Anh và Ý, cũng như đương kim vô địch Tây Ban Nha-giảm ở rào cản đầu tiên. 

Ngược lại, tám trong số mười đội đến từ miền Nam, miền Trung và Bắc Mỹ để có đủ điều kiện cho giải đấu đã vào đến vòng 16. Trong vòng loại Nam Mỹ, Ecuador chỉ thất bại trong việc thúc đẩy từ vòng bảng, trong khi một nửa của nhóm người chiến thắng, bao gồm Costa Rica CONCACAF của, là bên không UEFA.

BẢN TIN TỐI 29/6: Lộ người dụ dỗ Herrera tới M.U

Lộ người lôi kéo Herrard tới M.U, Liverpool nên đòi thêm Sanchez, Lạc đà tiên tri dự đoán Hà Lan thắng Mexico, Van Gaal như Sir Alex, Costa Rica có thể lọt tới bán kết.
Lộ người lôi kéo Herrera tới M.U. Theo tiết lộ của báo giới Tây Ban Nha, HLV Van Gaal chính là “chìa khóa” đưa Herrera tới M.U. Chỉ sau cuộc nói chuyện điện thoại của ông thày người Hà Lan, tiền vệ trẻ này đã quyết định mua lại hợp đồng với Bilbao.


Liverpool nên đòi thêm Sanchez. Trước báo giới, trung vệ kỳ cựu Rio Ferdinand khuyên Liverpool nên yêu cầu Barcelona các thêm tiền đạo Sanchez trong thương vụ mua Luis Suarez.

Lạc đà tiên tri dự đoán Hà Lan thắng Mexico. Trước cuộc so tài giữa Hà Lan và Mexico, chú lạc đà Shaheen ở Dubai đã mang tới niềm vui cho CĐV Hà Lan khi dự đoán “Cơn lốc màu da cam” sẽ giành chiến thắng.

ĐT Pháp sẵn sàng chống lại áp lực. Trước báo giới, tiền vệ Schneiderlin khẳng định ĐT Pháp đã sẵn sàng chiến đấu với mọi áp lực trong giai đoạn vòng loại trực tiếp này.

Van Gaal như Sir Alex. Trên tờ ESPN, tiền đạo Van Nistelrooy đã ca ngợi tân HLV M.U, Van Gaal có những phẩm chất giống như ông thày cũ Sir Alex.

Costa Rica có thể lọt tới bán kết. Chia sẻ trước các phóng viên, cựu tiền vệ Dietmar Hamann đã dự đoán rằng Costa Rica hoàn toàn đủ sức lọt vào vòng đấu của 4 đội mạnh nhất ở World Cup này.

Ngu ngốc khi chỉ trích ĐT Bỉ. Trước báo giới, tiền vệ Kevin De Bruyne đã đáp trả ý kiến chỉ trích những màn trình diễn của ĐT Bỉ ở World Cup. Theo cầu thủ này, đó là những lời nhận xét ngu ngốc.

Origi có thể tạo nên địa chấn ở Premier League. Origi đang là hiện tượng ở World Cup và được rất nhiều đội bóng ở Premier League liên hệ. Trước báo giới, trung vệ Jan Vertonghen tin rằng tài năng trẻ này có thể thành công ở Premier League.

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Costa Rica - Hy Lạp: Canh bạc tất tay

Sau khi gây bất ngờ tại vòng bảng bằng tấm vé lọt vào vòng 16 đội, chắc hẳn cả Costa Rica lẫn Hy Lạp đều mong muốn tiến sâu hơn nữa tại giải. Chính bởi vậy, cuộc chiến giữa họ hứa hẹn sẽ vô cùng khốc liệt và khó lường.

Lực lượng:

Costa Rica: Có đội hình mạnh nhất.

Hy Lạp: Khả năng ra sân của Panagiotis Kone và Orestis Karnezis còn bỏ ngỏ.


Để được chơi ở vòng 1/8 cả Hy Lạp lẫn Costa Rica đều cùng phải viết sử. Trước ngày trái bóng Brazuca lăn trên những thảm cỏ xứ Samba, Costa Rica được đánh giá là đội bóng yếu nhất bảng D nơi còn có sự góp mặt của Anh, Uruguay và Italia. Thế nhưng phải đến khi bước vào cuộc chiến thực sự, người ta mới cảm thấy ngỡ ngàng trước một hình ảnh Costa thực sự khác, khác rất nhiều so với những thứ mà người ta đánh giá trước đó.

Việc đánh bại Uruguay 3-1 ở trận mở màn đã có thể xem là bất ngờ lớn đối với thầy trò HLV Jorge Luis Pinto. Nhưng Costa Rica còn làm được nhiều hơn thế bằng chiến thắng 1-0 trước Italy. Đồng thời ẵm luôn một tấm vé vào vòng đấu loại trực tiếp. Ở trận đấu thủ tục trước Anh, Costa Rica dù không để lại nhiều ấn tượng nhưng họ vẫn khiến thầy trò HLV Roy Hodgson ra về với chỉ 1 điểm. Có lẽ sau vòng bảng, chẳng ai còn dám khinh suất một đội bóng như Costa Rica.

Giống như đại diện vùng CONCACAF, Hy Lạp cũng viết nên câu chuyện "thần thoại" khi lách qua khe cửa hẹp bằng chiến thắng 2-1 nghẹt thở và kịch tính trước Bờ Biển Ngà. Sau trận thua muối mặt 0-3 trước Colombia và cầm hòa Nhật Bản 0-0 trong thế mất người, không ai dám tin Hy Lạp có thể giành vé vào vòng 16 đội. Thế nhưng trong một ngày mà các vị trí đều thi đấu với trên 100% sức lực, Hy Lạp đã vượt qua đội bóng của Didier Drogba theo cái cách nghẹt thở nhất có thể.

Thế nhưng giờ đây để tiếp tục làm nên kỳ tích Hy Lạp không còn cách nào khác là buộc phải thắng Costa Rica. Đây là đội bóng có kỷ luật, đoàn kết và giàu sức mạnh. Với những gì đã thể hiện, Costa Rica thậm chí còn được đánh giá cao hơn Hy Lạp rất nhiều. Nên nhớ việc đã đứng trên 3 nhà cựu vô địch thế giới ở vòng bảng, cho thấy Costa Rica không phải là một tay vừa.

Trong khi đó, Hy Lạp hiện không còn là chính mình kể từ sau cái thời thăng hoa với lối chơi phòng ngự phản công ở EURO 2004, nơi họ lên ngôi vô địch. Ở thời điệm hiện tại đội quân của HLV Fernando Santos chỉ là một tập thể già cỗi và kém năng động. Họ cũng là đội bóng thi đấu kém thuyết phục nhất trong số những đội đã giành vé vào vòng 1/8, bằng chứng là đại diện châu Âu chỉ ghi được 2 bàn thắng vào lưới đối phương.

Điểm tựa duy nhất mà Hy Lạp sở hữu lúc này có chăng chính là sự già dơ trong lối chơi. Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng khi đã lọt vào đến vòng knock-out, nơi không giành cho những kẻ yếu tim. Trong một thế trận thận trọng, và Costa Rica có nhiều hy vọng hơn để bước tiếp vào tứ kết. Sự khác biệt có thể được quyết định ở những pha bóng cố định.

Brazil 1-1 (pen 3-2) Chile: Đòn cân não

Bất chấp lợi thế sân nhà cùng việc sớm vượt lên dẫn trước, Brazil vẫn phải trải qua một trận đấu đầy căng thẳng với Chile và chỉ có thể đi tiếp sau loạt đấu súng "cân não" trên chấm 11m.

Người Brazil đã phải sống trong những giây phút căng thẳng nhất từ khi VCK World Cup 2014 khởi tranh. Họ sớm vượt lên nhưng rồi lại để đối thủ đuổi kịp vì sai lầm nơi hàng thủ. Họ hút chết trong phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2 để rồi vỡ òa trong chiến thắng trên chấm luân lưu 11m. Đúng như người ta đã nói, dớp thua Brazil vẫn đeo đẳng Chile, cho dù họ đã làm những gì tốt nhất có thể.


Bước vào trận đấu, Brazil thay đổi đúng một vị trí trong bộ khung quen thuộc của họ khi Fernandinho ra sân ngay từ đầu thay cho Paulinho, trong khi đó, Chile chào đón sự trở lại của tiền vệ ngôi Arturo Vidal. 

Với lợi thế sân nhà và tư thế cửa trên, Brazil chủ động tấn công phủ đầu đối thủ ngay sau tiếng còi khai cuộc. Tuy vậy, Chile không phải tay vừa, họ rất tích cực di chuyển, áp sát các cầu thủ áo vàng xanh và không ngại phạm lỗi khi cần thiết. Chính vì thế, trong suốt 15 phút đầu tiên của trận đấu, Brazil chỉ có đúng 1 cú sút xa không trúng đích của Marcelo. Và giống như nhiều trận đấu khác, thế bế tắc được khai thông sau một tình huống cố định.

Phút 18, từ quả phạt góc của Neymar, một tình huống lộn xộn đã diễn ra trong vòng cấm địa của Chile, David Luiz đã xuất hiện đúng lúc để biến nỗ lực phá bóng của Gonzalo Jara trở thành bàn thắng mở điểm cho đội chủ nhà. 1-0 cho Brazil! Cả sân vận động Estadio Mineirao như nổ tung! Các cầu thủ áo vàng xanh hừng hực khí thế xông lên, tuy vậy, một lần nữa họ lại vấp phải sự chống trả quyết liệt của Chile.

Đang "say máu" tấn công, Brazil bất ngờ nhận đòn đau từ sai lầm cá nhân. Phút 32, Hulk trả bóng về cho Marcelo quá nhẹ, tạo điều kiện cho Eduardo Vargas băng xuống căng ngang cho Alexis Sanchez ở phía trong. Công việc còn lại của tiền đạo số 7 là hạ gục Julio Cesar trong sự bất lực của Thiago Silva. 1-1 cho Chile! Thế cân bằng được tái lập, người Brazil lại phải lao lên tìm lợi thế. Trong vòng 15 phút cuối hiệp 1, bóng gần như chỉ lăn bên phần sân Chile, tuy nhiên, sự kiên cường của đội bóng áo đỏ khiến các cú sút của Brazil đều không thể đi đến đích.

Trong khi đó, việc trọng tài Howard Webb thường xuyên cắt còi sau đó khiến trận đấu bị vỡ vụn đi rất nhiều bởi các tình huống vào bóng phạm lỗi liên tục của cả 2 bên. Không ít lần Neymar và các đồng đội phải kêu trời vì cách xử lý của trọng tài người Anh. Đặc biệt ở tình huống đầu hiệp 2, khi Hulk đã sút tung lưới Chile, nhưng không được Webb công nhận. Không những vậy, tiền đạo của đội chủ nhà còn phải nhận thẻ vàng vì trọng tài cho rằng anh cố tình dùng tay đỡ bóng trước khi dứt điểm. 

Nửa cuối hiệp 2, trận đấu rơi vào thế cò cưa khi 2 bên bắt đầu suy giảm thể lực. Brazil là đội tích cực hơn trong việc tổ chức tấn công nhưng lại không cầm được bóng trước sự áp sát đầy quyết liệt của Chile. Trong khi đó, đội bóng áo đỏ không hề giấu ý định đưa trận đấu vào các hiệp phụ, và thậm chí là các loạt đá luân lưu.

Bên ngoài đường pitch, HLV Scolari thể hiện sự sốt ruột bằng cách đưa Jo và Ramires vào sân thay cho Fred và Fernandinho, tuy vậy, sự thay đổi của ông không tạo được bất cứ ảnh hưởng nào lên trận đấu, đặc biệt khi tiền đạo Jo tỏ ra vô duyên không kém gì Fred. 

Thời gian càng kéo dài, sức công của Brazil càng trở nên yếu ớt. Họ cố gắng tạo áp lực nhưng lại tỏ ra rất thiếu chính xác trong các đường chuyền cuối cùng. Những cơ hội đáng kể nhất của Selecao đến từ nỗ lực cá nhân của Hulk, tuy nhiên, các cú sút của tiền đạo này đều không đủ khó để đánh bại thủ thành Bravo của Chile. 

Cuối cùng, 2 đội dắt tay nhau vào hiệp phụ với tỉ số 1-1. Trong hiệp phụ, Brazil tiếp tục chiếm ưu thế, nhưng trước hàng thủ dày đặc của Chile, số lần họ tiếp cận được khung thành của Bravo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tính trong cả 120 phút thi đấu, Brazil tung ra đến 23 pha dứt điểm, nhưng chỉ có 6 lần trong đó họ đưa bóng đi trúng mục tiêu. Trong bối cảnh Neymar càng đá càng xuống sức, thậm chí bị chuột rút, Brazil không có nổi một cầu thủ có thể làm khó Bravo.

Mải mê tấn công, Brazil sút phải trả giá đắt ở phút 119 khi họ để tiền đạo vào thay người của Chile, Mauricio Pinilla thoát xuống tung cú sút cực mạnh hạ gục Julio Cesar. May mắn cho Brazil, xà ngang đã cứu cho họ một thảm họa tại Estadio Mineirao. 

Hòa 1-1 trong 120 phút thi đấu, 2 đội buộc phải bước vào loạt đá luân lưu 11m cân não. Trên chấm 11m, người Chile đã không chiến thắng được cái dớp quá lớn trước người Brazil, cho dù có ít nhiều dấu hiệu cho thấy họ có cơ hội làm điều đó. Trong 4 lượt đá đầu tiên, mỗi bên đều sút trượt 2 quả, nhưng đến lượt cuối cùng, thắng thua đã được quyết định. Neymar lạnh lùng đánh lừa Bravo, trong khi Gonzalo Jara cười tươi để rồi sút trúng... cột dọc và mang đến niềm vui chiến thắng cho người Brazil.

Vất vả nhưng xứng đáng, Brazil đã đi tiếp vào vòng tứ kết bằng chính bản lĩnh của bản thân trong một trận đấu mà họ có phần bị trọng tài xử ép. Trong khi đó, Chile một lần nữa chứng minh họ khó chịu thế nào trước các ông lớn. Dù sớm phải dừng bước, nhưng những gì Chile thể hiện xứng đáng nhận được lời khen từ tất cả người hâm mộ trái bóng tròn.