Liên tục dẫn bàn dẫn trước do công của Igor Belanov (người sau này giành Qủa bóng vàng 1986), nhưng cuối cùng đội tuyển “Dinamo Kiev mở rộng” của Lobanovsky (trong đội hình chỉ có Dasayev đến từ Spartak Moscow và Aleinikov từ Dynamo Minsk) đã phải tạm biệt giải đấu đầy tức tưởi.
Tuyển Nga tại World Cup 2014 không mạnh |
Chơi hay hơn trong phần lớn 90 phút chính thức, bằng lối đá tốc độ, hiện đại kết hợp pressing toàn sân với những pha phối hợp 1-2 tầm ngắn, Liên Xô có đầy đủ “lý do” để thắng Bỉ trong buổi trưa định mệnh đó. Nhưng có vẻ những sai lầm của trọng tài trong cách bắt việt vị và sự xuất thần của Pfaff, Gerets, Scifo, Ceulemans đã đưa Bỉ vào tứ kết sau 120 phút.
Nhớ Việt Nam thời điểm đó, Truyền hình Việt Nam đã tổ chức tiếp sóng từ đài Hoa Sen để tường thuật trực tiếp các trận bóng đá từ Mexico xa xôi, đặc biệt các trận đấu có sự góp mặt của Liên Xô luôn được quan tâm và quảng bá rộng rãi.
Nhưng không hiểu vì lý do gì trận Liên Xô - Bỉ đã không được truyền trực tiếp và thậm chí phát lại sau đó, người hâm mộ Việt Nam cả ngày hôm sau vẫn nín thở chờ tin “đội nhà”.
Vào cái thời chưa internet, thế giới chưa “phẳng” như bây giờ, và quan hệ Việt Nam - Liên Xô còn thân thiết hơn cả những người anh em, đó quả là thời khắc hồi hộp khó tả…
Để rồi đến chiều tối, Đài tiếng nói Việt Nam thông báo, thời sự điểm tin, có lẽ cả đất nước Việt Nam đã chìm vào một nỗi đau khó tả và run lên vì sự tức giận trước ông trọng tài người Thụy Điển Erik Fredriksson khi đã có đến 2 quyết định “bỏ qua lỗi việt vị” của người Bỉ.
Với trình độ và trang bị kỹ thuật truyền hình thời đó, thật khó có thể xác định tính đúng sai, nhưng có sao đâu, tất cả những gì “có vẻ thế” để chứng minh đội Liên Xô yêu dấu xứng đáng lọt vào tứ kết, đều được coi là chân lý và lẽ sống.
28 năm trôi qua, thời gian đã làm quá nhiều thứ thay đổi trên thế giới này, không còn Liên Xô, không còn đội bóng với chữ CCCP trước ngực của một người đàn ông nhỏ bé, “cằm chẻ” ngồi tư lự bên đường biên mang vóc dáng của một thiên tài.
Thế giới ngày nay là thế giới của internet, của kỹ thuật truyền hình hiện đại quay mọi ngóc ngách trên sân bóng, với công nghệ Goal line tinh vi và những bình luận viên thuộc cả nhóm máu của cầu thủ bằng tiện ích có tên Google mà chưa chắc đã đến từ niềm đam mê bóng đá.
28 năm sau, người Việt Nam không mấy người nhớ về “đội tuyển CCCP” - một thời oanh liệt, mà thay vào đó là đội bóng của Rooney, Gerard cùng WAGs của họ. Người Việt Nam cũng không phải chờ đến nửa ngày để biết kết quả trận đấu mà họ quan tâm. Thông tin, hình ảnh luôn đến tức thời, rõ nét nhưng cũng nhạt nhòa hơn nhiều.
28 năm sau trận đấu tại Mexico, hơn một thế hệ của những Igor Belanov, Dasayev, Zavarov, Aleinikov, Pfaff, Gerets, Scifo, Ceulemans đã trôi qua, Guy This, Valeri Lobanovsky đã không còn trên đời và người Việt Nam phải chứng kiến một trận đấu không có chút cảm xúc nào kể từ kẻ thắng lẫn người thua. Nga - đội bóng kế thừa Liên Xô cũ đã thua như bậc cha chú của họ trước kia, nhưng cách thua thì hoàn toàn khác.
HLV Fabio Capello - một tượng đài lừng lẫy cũng không giúp đội tuyển Nga ghi dấu ấn |
Một đội bóng không ngôi sao, không lối chơi rõ rệt, không phối hợp nhóm, chẳng ý tưởng chuyền dài, chẳng phản công rình rập, chẳng gì cả… dù được dẫn dắt bởi tượng đài bóng đá thế giới: Fabio Capello.
Đội tuyển Nga có chăng chỉ “kế thừa” Liên Xô ở “khả năng” chơi đầu tệ hại và sự mất tập trung ở những thời điểm quyết định nên việc thua Bỉ của những tài năng Courtois, Kompany, Hazard, Fellaini không quá khó hiểu.
Trận đấu đã kết thúc, nhưng không giống 28 năm trước, dư âm của nó cũng đã trôi thật nhanh, kể cả với người hâm mộ trung tuổi tại Việt Nam, những người vẫn còn đó biết bao kỷ niệm và tình cảm của bóng đá Liên Xô trước kia. Tạm biệt tuyển Nga, rất tiếc, các bạn không phải là đội kế thừa thứ bóng đá mà tôi từng biết và đại diện một đất nước mà tôi từng ngưỡng mộ nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét