Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

50 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử Premier League: Số một là Ferguson!

Tờ Daily Mail (Anh) vừa công bố danh sách 50 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử giải đấu hàng đầu xứ sương mù. Phạm vi đánh giá không chỉ gói gọn trong giới cầu thủ, mà là tất cả những người có liên quan, từ giám đốc đến nhân viên tạp vụ.
Ferguson, Mourinho, Abramovich đã tạo nên ảnh hưởng cực lớn ở Premier League

Ferguson, Mourinho, Abramovich đã tạo nên ảnh hưởng cực lớn ở Premier League


10. David Dein (và bộ ngũ quyền lực)
Cựu phó chủ tịch Arsenal xứng đáng có tên trong danh sách, bởi ông là nhân vật quan trọng ở một trong những CLB thành công nhất kỷ nguyên Premier League. Ông chính là người đã bổ nhiệm Arsene Wenger, đóng góp tiếng nói quan trọng trong thành công của các đội bóng lớn xứ sương mù, là một trong “bộ ngũ” quan trọng của Top 5 Premier League những năm 90, cùng với Martin Edwards của M.U, Noel White của Liverpool, Philip Carter của Everton và Irving Scholar của Spurs.

9. Jose Mourinho
Mới chỉ 52 tuổi, nhưng “Người đặc biệt” chắc chắn là một trong những HLV xuất sắc nhất mọi thời đại, với vô số những danh hiệu cùng Porto, Chelsea, Inter Milan và Real Madrid. Từ năm 2003 đến 2012, Mourinho không năm nào không giành ít nhất một chiếc cúp, và suốt cả sự nghiệp chỉ duy nhất một mùa là trắng tay (mùa 2007/08). Trong giai đoạn 2003-2012, ông giành 2 cú ăn ba, 3 cú đúp danh hiệu, 7 chức VĐQG (giờ là 8) và 3 cúp châu Âu trong đó có 2 Champions League. Ông cũng sở hữu 2 kỷ lục bất bại trên sân nhà ở các giải VĐQG, kỷ lục 9 năm (từ 2002-2011) và kỷ lục 45 trận (cuối giai đoạn dẫn dắt Real và đầu giai đoạn trở lại Chelsea).

Thêm nữa, cá tính của Mourinho - đầy sức  hút, hiếu chiến, ngạo mạn, tỉ mỉ và lắm chiêu trò - là một trong những yếu tố thúc đẩy người ta xem Chelsea của ông. Chưa hết, phong cách Mourinho còn trở thành một trào lưu, một xu thế mới. Những người hâm mộ bóng đá tấn công có thể chỉ trích "Người đặc biệt", nhưng không ai không ghen tị với bảng thành tích vang dội của ông.


8. Roman Abramovich
Tối ngày thứ Ba, 1/7/2003, người Anh đón nhận thông tin Ken Bates bán Chelsea cho “một doanh nhân người Nga, Roman Abramovich”. Chiều hôm sau, hàng ngàn bài báo trên khắp địa cầu viết về tỉ phú dầu mỏ này. Chỉ trong vòng 1 tháng, ông chi ra 111 triệu bảng để thay đổi không chỉ bộ mặt của Chelsea, mà còn của Premier League.

Sau Abra, tới lượt Randy Lerner (Aston Villa), Thaksin Shinawatra, Sheikh Mansour (Man City)… theo chân đến Anh, đánh dấu kỷ nguyên của những ông chủ nước ngoài “giàu sụ”. Về phần Chelsea, những bản hợp đồng đắt giá đã giúp cho đội bóng Tây London trở thành một thế lực, xen vào giữa ách thống trị của M.U và Arsenal tại Premier League suốt 12 năm.

7. David Beckham (và Posh Spice)
Beckham vừa mới có tài khoản Instagram hồi tháng trước, nhưng tới thời điểm này, đã có hơn 7 triệu lượt theo dõi. Trang Facebook của anh cũng có 51,6 triệu lượt like. Vợ anh, Victoria có 8,5 triệu người theo dõi trên Twitter. Công ty của anh, Footwork Productions, có doanh thu khoảng 14,8 triệu bảng trong năm tài chính gần nhất.Victoria cũng kiếm thêm thu nhập từ thời trang và âm nhạc. Danh sách những người giàu nhất năm 2015 của The Times công bố tài sản của gia đình Becks lên tới 240 triệu bảng.



6. Jean-Marc Bosman
Bosman chưa từng chơi một phút nào ở Anh chứ chưa nói đến Premier League, nhưng cựu cầu thủ này quan trọng theo cách khác. Anh đã kiện đội bóng cũ của mình, Standard Liege (Bỉ), LĐBĐ Bỉ và UEFA, và vụ kiện ấy thay đổi hoàn toàn thế giới bóng đá. Anh muốn rời Liege khi hết hợp đồng vào năm 1990, nhưng CLB Dunkerque ở Pháp không đáp ứng được mức giá Liege đòi hỏi, để rồi khiến Bosman bị mắc kẹt, thậm chí còn phải giảm thu nhập để ở lại đội bóng. Sau vụ kiện, Bosman giành được tự do, không chỉ cho một mình anh mà còn cho tất cả những cầu thủ hết hạn hợp đồng ở châu Âu.

5. Richard Scudamore
Trở thành CEO của Premier League từ năm 1999, thành công lớn nhất của Scudamore là “chia chác” tiền bạc một cách hợp lý cho 20 CLB, cũng như làm giàu thêm cho giải đấu này. Từ mức bản quyền vỏn vẹn 212 triệu bảng mỗi mùa của năm 2001, giờ đây con số ấy là 3 tỉ bảng mỗi mùa. Có thể nói, giải Ngoại hạng Anh giàu có như ngày hôm nay là nhờ công sức của Scudamore.

4. Arsene Wenger
Tháng 7 năm 1996, xuất hiện thông tin rằng tân HLV ĐT Anh Glenn Hoddle muốn bổ nhiệm đồng sự cũ ở Monaco lên làm giám đốc kỹ thuật của FA. Đó là một người Pháp còn rất vô danh, từng làm việc ở CLB Nhật Bản Nagoya Grampus Eight. Rốt cuộc, ông không làm giám đốc kỹ thuật của FA, mà được David Dein đưa lên ghế HLV trưởng Arsenal thay cho Bruce Rioch. Ngày ông nhậm chức, truyền thông địa phương ngạc nhiên tột độ: “Arsene nào thế?”.


Kể từ đó, phương pháp làm việc cực kì khoa học cũng như triết lý bóng đá đẹp mắt của Wenger giúp Arsenal gặt hái những thành công tuyệt vời. Ông quan tâm đến dinh dưỡng, phát triển kỹ thuật, thể chất và cả tâm lý cầu thủ. Những gì “Giáo sư” mang đến cho Highbury là cả một cuộc cách mạng, cùng những cầu thủ ngôi sao như Patrick Vieira, Dennis Bergkamp hay Thierry Henry. Thành quả của ông là cú đúp danh hiệu, là mùa bóng bất bại và nhiều nhiều nữa.

3. Eric Cantona
Premier League luôn là điểm đến của những cá tính lớn, những tài năng lớn. Tiêu biểu cho những cá nhân như thế là Cantona ở M.U vào cuối thập kỷ 90. Tài năng của Cantona giúp M.U lần đầu lên ngôi vô địch Anh sau 26 năm. Như một mẩu quảng cáo cũ của Nike từng nhận xét: "1966 là một năm tuyệt vời cho bóng đá Anh. Đó là năm Eric ra đời".

2. Rupert Murdoch
Ông năm nay 84 tuổi, sinh ra ở Melbourne (Australia), nhưng lại mang quốc tịch Mỹ. Murdoch nhận ra rằng thể thao đỉnh cao có thể là “mỏ vàng” của truyền hình trả tiền từ rất lâu trước đây, ông nhanh chóng mở ra một thời kỳ mới của truyền thông ở xứ  sương mù, tiêu biểu là bản hợp đồng bản quyền với Sky trị giá 5 tỉ bảng.

1. Sir Alex Ferguson



Một người đàn ông năm nay 73 tuổi, sinh ra ở Govan, Glasgow, lớn lên trong một căn nhà tập thể cùng một công nhân đóng tàu, trở thành một cầu thủ khá, một chủ quán rượu. Nghe chẳng có vẻ gì liên quan, nhưng đó chính là tiểu sử của Alex Ferguson, HLV vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh.

Cả Fergie và Murdoch đều nổi tiếng với phong cách làm việc nghiêm túc, trí tưởng tượng tuyệt vời, chất thép trong công tác chỉ đạo, dành tình yêu chung thủy với một số người, và sự thù ghét tuyệt đối một số người khác. Cả hai đều là những người thành công nhất trong những lĩnh vực của họ, và cả hai đều bị rất nhiều người ghét. Cũng dễ hiểu bởi họ đã thiết lập tầm ảnh hưởng của mình quá lâu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét