Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Burnley và Chelsea, những đội bóng dám ăn thua






Đây là lần thứ 3 Burnley góp mặt ở Premier League, và rất có thể sẽ là lần đầu tiên họ không lập tức phải trở lại Championship chỉ sau một mùa. Giới hâm mộ Burnley không thể kỳ vọng vào những trận thắng liên tục, nhất là đối với đội bóng chỉ hòa 1 trận, còn lại toàn thua trong các trận đấu trên sân đối phương. 

Vấn đề là ở chỗ, với một đội thuộc đẳng cấp trung bình - yếu như Burnley, chỉ cần thắng 1 trận trong 2-3 vòng là đủ. Đội bóng của HLV Sean Dyche đang làm rất tốt điều này. Tốc độ “rùa bò”, với điểm số bình quân 0,88 điểm/trận của nhóm 6 đội cuối bảng - đẳng cấp ấy thì tất yếu là đi kèm với thông số ấy - sẽ là yếu tố quyết định khiến Burnley yên tâm không sợ các đội phía sau đe dọa.

Hơn 50% số trận của Burnley ở Premier League mùa này là những trận thua, chính xác là 13/24 trận. Họ chỉ thua ít hơn 4 đội chót bảng. Nhưng thầy trò Dyche lại đứng vững ở khu giữa bảng vì suốt từ đầu mùa, họ chỉ hòa đúng 2 trận. Không hòa thì tuy thua nhiều, bạn cũng sẽ thắng nhiều hơn mức độ trung bình.

Khi ở hoàn cảnh cạnh tranh căng thẳng, một ứng cử viên vô địch có thể tan vỡ hy vọng chỉ vì một trận không thắng. Vì nhiệm vụ của các đội như thế là cứ phải thắng mỗi khi ra sân, vì các đối thủ của họ cũng thường xuyên làm được như thế. Ngược lại, cũng trong hoàn cảnh so kè, một đội “chiếu dưới” có thể cải thiện hy vọng trụ hạng một cách rõ rệt mỗi khi lấy trọn 3 điểm. Vì chiến thắng luôn là điều mà các đội ấy, và đối thủ cạnh tranh với họ, rất khó làm được.




Trên bề mặt, có vẻ như Burnley và Chelsea ở vào hai thái cực. Một bên chỉ vừa thăng hạng, không dám nhắm đến mục tiêu nào cao hơn là được ở lại bảng Ngoại hạng lần nữa. Bên kia ứng cử viên vô địch. Nhưng họ có chỗ tương đồng vô cùng quan trọng. Đấy chính là hai đội có số trận hòa ít nhất ở Premier League mùa này. 

Và, xét riêng trong đẳng cấp của mình, thì cả Burnley lẫn Chelsea đều thành công, đều đang tiến đến kết cục mỹ mãn nhờ “biết cách” giảm thiểu kết quả hòa đến mức thấp nhất. Hệ quả đối với Chelsea là họ bỏ xa mọi đối thủ chính về số trận thắng. Còn hệ quả đối với Burnley là tuy thua nhiều, họ vẫn có đủ số trận thắng cần thiết đối với một đội chỉ mong trụ hạng.

Xin nhắc lại: “biết cách”, chứ không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cũng cần có thêm chút can đảm, quyết đoán cần thiết nữa. Chiến lược “quyết ăn thua đủ” của HLV Dyche khiến Burnley thua đến 10/11 trận trên sân đối phương. Câu chuyện có thể sẽ khác nếu như Dyche “liệu cơm gắp mắm”, chọn cách chơi, chiến thuật cũng như đội hình phù hợp hơn với tư thế “vừa thăng hạng” của đội mình. 

Có thể bảng thành tích trên sân đối phương của Burnley sẽ không đến nỗi “tan nát” như vậy. Trong bóng đá đỉnh cao, chẳng ai dễ thắng một khi đối phương quyết tâm co cụm, cố thủ. Nhưng khi ấy, Burnley cũng không dễ có đến 9 trận thắng trong 24 vòng - thông số “trong mơ” đối với các đội cuối bảng.

Chiến lược của HLV Dyche đã đem lại thành công. Còn chuyện Burnley toàn thắng 5 trận sân nhà gần đây ở Premier League, nói chung là rất thành công trên sân nhà Turf Moor, chỉ là hệ quả. Turf Moor đâu phải là thánh địa hay miền đất dữ khét tiếng gì trong bóng đá Anh! Burnley cũng không mạnh đến mức độ tương xứng với số trận thắng của họ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét