Alfredo Di Stefano (519 bàn/709 trận): Số 9 toàn năng
Di Stefano chính là người đặt nền móng cho sự vĩ đại của Real Madrid, đội bóng xuất sắc nhất thế kỷ XX với 7 chức vô địch C1/Champions League, trong đó có kỷ lục vô tiền khoáng hậu 5 lần đăng quang liên tiếp. Dữ kiện ấy đủ để chứng minh ông… vĩ đại tới mức nào.
Vậy nhưng, thời điểm Di Stefano chơi bóng, công nghệ thu hình chưa phát triển, thế nên tài nghệ của ông tuyệt luân tới đâu thì chỉ nằm trong ký ức những người ai từng trực tiếp theo dõi ông thi đấu. Những cây viết dẫu bút lực thâm hậu đến đâu cũng khó lòng lột tả hết tài năng của Di Stefano.
Tuy nhiên, nếu cần một so sánh mang tính bắc cầu, hãy lắng nghe một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá nói về ông. Diego Maradona từng nói: “Tôi không dám chắc tôi xuất sắc hơn Pele nhưng Di Stefano thì chắc chắn xuất sắc hơn lão ta”. Một Maradona đầy bản ngã mà nói như vậy thì rõ ràng Di Stefano rất tài năng.
Về tài năng, Di Stefano ở rất xa một trung phong thuần túy. Ông được giới mộ điệu đặt cho cái biệt danh “Mũi tên bạch kim” bởi sở hữu mái tóc màu bạch kim và lối đi bóng sắc sảo, thần tốc xé toang hàng phòng ngự đối phương như một mũi tên. Các chuyên gia thì gọi ông là “trung phong toàn năng” bởi huyền thoại của Real không chỉ biết ghi bàn, dù ghi rất nhiều bàn (307 bàn sau 396 trận cho Real).
Bên cạnh tài nghệ, tư duy chơi bóng của Di Stefano còn đi trước thời đại. Ông hỗ trợ phòng ngự, tham gia cầm nhịp và kết nối các tuyến bằng sự đĩnh đạc, hình ảnh người hâm mộ ngày nay được thấy ở Messi, hậu bối sinh sau ông hơn nửa thế kỷ.
Dixie Dean (443 bàn/505 trận): Số 9 nguyên bản
Nếu Di Stefano là trung phong toàn năng thì Dixie Dean, một danh thủ sinh trước ông hai thập kỷ là khuôn vàng thước ngọc cho một trung phong nguyên bản, tức vào sân để ghi bàn, ghi bàn và ghi bàn. Bill Shankly từng nói một câu để đời: “Dixie Dean chung mâm với Beethoven và Shakespeare”.
Một chiến lược gia vĩ đại của Liverpool mà lại đánh giá như thế về một chân sút của… Everton chứng tỏ Dixie Dean không phải dạng vừa. Nếu cần thêm dẫn chứng để minh định, hãy nhìn vào thống kê. Trong màu áo Everton, Dixie Dean ghi được 425 bàn sau 489 lần ra sân, hiệu suất ghi bàn cao hơn cả Gerd Mueller.
Riêng mùa giải 1927/28, khi mới 21 tuổi, ngăn cản Dixie Dean ghi bàn là nhiệm vụ bất khả đối với mọi hàng thủ, bởi mùa ấy ông ghi tới 67 bàn, chỉ sau 46 trận và giúp Everton đăng quang. Tất nhiên, để ghi bàn dễ như ăn kẹo vậy, Dixie Dean sở hữu kỹ năng dứt điểm hoàn hảo.
Ông có thể sút tốt bằng cả hai chân nhưng tuyệt kỹ thường thừa đáng kể nhất là đánh đầu. Tuy chỉ cao gần 1m80 nhưng Dixie Dean khiến mọi hậu vệ khiếp sợ bởi khả năng chọn điểm rơi, bật nhảy và đánh đầu trong mọi tư thế. Có thể nói, nhiệm vụ của các đồng đội chỉ là tạt, còn đưa bóng vào lưới cứ để Dixie Dean lo!
VIDEO: Chiêm ngưỡng tài nghệ của Dixie Dean
Frank Worthington (262 bàn/836 trận): Số 9 thi nhân
Nhìn vào tài khoản bàn thắng của Worthington hẳn không ít người sẽ đặt câu hỏi tại sao ông lại lọt vào danh sách này. Xuyên suốt lịch sử bóng đá không thiếu những chân sút ăn đứt Worthington về số lượt lẫn hiệu suất ghi bàn. Vậy nhưng nên hiểu một điều, Worthington đại diện cho một trường phái độc đáo và đầy cảm xúc trên sân cỏ.
Đó là trường phải săn bàn theo kiểu thi sĩ, tức mỗi bàn thắng phải là một tác phẩm nghệ thuật làm mê đắm lòng người và phong cách chơi bóng phải đậm chất lãng mãn. Không tin thì có thể theo dõi bàn thắng phía dưới. Và một điểm thú vị nữa, cái tôi của Worthington cực lớn.
Ông từng tuyên bố: “Tôi không xem trọng kết quả, tôi chỉ quan tâm cách tôi chơi bóng”. Ngạo nghễ đến thế là cùng. Để dễ hình dung, Worthington có thể ví như sự kết hợp giữa George Best và Denis Bergkamp. Thực tế, thời còn chơi bóng, ông cũng được ví là George Best xứ Yorkshire.
Mỗi khi có bóng trong chân, chuyền bóng mà không làm gì với nó thật chẳng khác gì cực hình với Worthington. Ông phải biểu diễn, phải rê dắt và ít nhất lừa được một cầu thủ đối phương mới cam lòng, in hệt huyền thoại của M.U. Và nên nhớ, George Best chơi ở biên còn Worthington đá trung lộ, nơi mật độ chặt chém rất chênh lệch.
Còn về dứt điểm, tương tự Bergkamp sau này, Worthington luôn hướng tới sự tinh tế trong mỗi pha dứt điểm, thay vì chỉ đưa bóng vào lưới thuần túy. Tất nhiên, khi kết hợp giữa cả George Best và Denis Bergkamp, ta được một tài năng xuất chúng nhưng thi đấu ổn định là thứ xa xỉ.
Thế nên trận này Worthington vừa tạo ra một tuyệt tác thì ngay trận sau ông lập tức vật vờ như một bóng ma. Đúng kiểu thà một phút huy hoàng rồi chợt tối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét