Tony Tuấn Anh về nước với giấc mơ U20 Việt Nam. Đó cũng là giấc mơ đau đáu với những cầu thủ Việt kiều.
Trước khi U20 Việt Nam tập trung cho chiến dịch U20 World Cup 2017, bất ngờ nho nhỏ khi cầu thủ Việt kiều Tony Tuấn Anh đến xin thử việc. Là một người luôn mở rộng vòng tay cho các cầu thủ, HLV Hoàng Anh Tuấn sẵn sàng tạo điều kiện cho cầu thủ này đến thử việc.
Tony Tuấn Anh chưa thể hiện được gì nhiều bởi U20 Việt Nam vẫn đang trong quá trình rèn luyện thể lực. Thế nhưng, Tony Tuấn Anh là điển hình cho giấc mơ mà các cầu thủ Việt kiều muốn hướng đến ở bóng đá quê nhà.
Trước khi Tony Tuấn Anh tìm về nước để thử việc, có làn sóng các cầu thủ Việt khắp thế giới tìm về để thử sức. Ludovic Casset, anh em nhà Lê Giang, Nguyễn Quốc Trung, Florentin Phạm, Đặng Văn Lâm, Đặng Văn Robert, Michal Nguyễn, Mạc Hồng Quân...
Tất cả đều chung một khát khao là được cống hiến cho bóng đá quê nhà, nơi mà trước đó, họ nhiều năm xa cách. Thế nhưng, giấc mơ và đời thực là khoảng cách khó có thể lấp đầy.
Lần lượt đến rồi đi. Rất nhiều cầu thủ trẻ đã khẳng định chỗ đứng ở trời u nhưng không thể tìm được một vị trí ở Việt Nam. Đó cũng là lẽ tự nhiên bởi tư duy, phong cách chơi bóng lẫn những giáo án sinh hoạt, tập luyện là rất khác nhau.
Ở bóng đá Việt Nam, chuyên môn chưa phải là vấn đề tối quan trọng. Một Lee Nguyễn đã thành danh ở Mỹ khi trở về Việt Nam cũng chịu số phận lót đường. Tiền vệ sinh năm 1986 này không kèn không trống trở lại Mỹ một vài năm sau đó. Như cá gặp nước, Lee Nguyễn là con át chủ bài của New England Revolution. Còn bóng đá Việt Nam chỉ biết ngậm ngùi tiếc nuối.
Những cầu thủ trẻ có bản lý lịch tương đối sáng như anh em nhà Le Giang, từng khoác áo các đội trẻ Slovenia khi về nước cũng không thể trụ lại. Dẫu vậy, trong một vài năm trở lại đây, đã có sự khác biệt khá lớn.
Nhiều cầu thủ Việt kiều đã tìm được chỗ đứng không chỉ ở cấp độ câu lạc bộ mà ở các đội tuuyển quốc gia. Mạc Hồng Quân từng là trụ cột ở Olympic Việt Nam. Michal Nguyễn hay Đặng Văn Robert từng được gọi vào ĐTQG Việt Nam. Và hiện tại, để tìm một cầu thủ Việt kiều xuất sắc nhất thì đó là Đặng Văn Lâm.
Cầu thủ có hai quốc tịch Nga và Việt Nam này đã 5 năm rèn luyện, chỉ tập luyện ở Việt Nam để chờ cơ hội thử sức. Và khi được trao cơ hội, Đặng Văn Lâm tỏa sáng trong màu áo Hải Phòng để rồi sau đó, anh chắc suất một vị trí ở ĐTQG.
Và nếu không bị chấn thương thì Đặng Văn Lâm đã được lựa chọn là người gác đền số 1 ở trận gặp Afghanistan sắp tới. Thành công hay thất bại đối với một cầu thủ Việt kiều là lẽ tự nhiên.
Một Lee Nguyễn từng làm mưa làm gió ở đất Mỹ thì cũng chìm nghỉm ở Việt Nam. Tuy nhiên, một Đặng Văn Lâm vô danh đã rèn luyện, ý thức kỷ luật và hòa nhập với phong tục tập quán ở nước nhà vẫn tìm được chỗ đứng cho mình.
Quan trọng vẫn nằm ở nội tại. Bản thân mỗi cầu thủ tự ý thức nghề nghiệp của mình. Tony Tuấn Anh có quyền mơ bởi những giấc mơ đã được viết nên từ Đặng Văn Lâm, là một điển hình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét