Khu nhà trọ Football Fan Village (Làng cổ động viên bóng đá) ở góc đường Princess Place và Queens giữa trung tâm thành phố Johannesburg, Nam Phi, một buổi chiều tháng 6 nắng nhạt của 4 năm về trước, tôi tình cờ gặp André Francisco Rosa. Đó là một gã đàn ông thấp đậm, tuổi ngoài 30, tay dắt hai chú chó khoác áo đấu của đội tuyển Brazil.
Rosa đến từ Sao Paulo, Brazil, cùng Garrincha và Fenômeno, hai chú chó được anh huấn luyện thuần thục các kỹ năng chơi bóng. Trong khuôn viên khá rộng của khu nhà trọ, Rosa cùng Garrincha và Fenômeno đã biểu diễn cho chúng tôi, những cổ động viên bóng đá đến từ bốn phương, những màn tung hứng ngoạn mục cùng trái bóng Jabulani. Trong kỳ World Cup 2010 ở Nam Phi, bộ ba này đã rong ruổi khắp nơi và đều để lại những cuộc vui náo động tại mỗi địa phương họ đặt chân tới.
Garrincha là một huyền thoại bóng đá của thập niên 1950 -1960. Fenômeno, biệt danh của Ronaldo, là một huyền thoại của thập niên 1990 - 2000. Từ thế hệ Garrincha đến thế hệ Ronaldo là một chặng đường dài. “Trên chặng đường dài đó, Brazil luôn ngự trị trên đỉnh thế giới. Tôi đặt tên hai chú chó của mình để ghi nhớ điều này: Brazil luôn là số 1”, Rosa giải thích.
Vài ngày sau buổi biểu diễn trong khu Football Fan Village, Brazil bị người Hà Lan đá văng khỏi World Cup, André Rosa dắt hai chú chó Garrincha và Fenômeno trở về quê hương. Tôi đã không gặp anh chàng vào hôm đó, nhưng nhận được một mảnh giấy để lại trên chiếc giường tầng: Tạm biệt và hẹn gặp ở Sao Paulo!
André Rosa biểu diễn cùng những chú chó của mình |
Cổ động viên Brazil trên khán đài World Cup 2010 tại Nam Phi |
André Rosa sống ở Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil. Nhưng quan trọng hơn, đây là nơi sẽ diễn ra trận khai mạc World Cup 2014. Lời hẹn của Rosa vì thế đầy chất mời gọi. Nhưng trong bối cảnh đang bị bao vây bởi một bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt tại Nam Phi của 4 năm về trước, tôi đã không dành nhiều thời gian để nghĩ về Sao Paulo. Lời hẹn của Rosa, vì thế, như một kế hoạch xa vời.
Thế rồi, 4 năm trôi qua như một chớp mắt. Một mùa bóng đá nữa lại về. World Cup 2014 sẽ diễn ra trên mảnh đất mà bóng đá luôn có một ngôi vị đặc biệt. Đó là môn thể thao vua. Đó là niềm vui. Đó là văn hóa. Đó là cuộc sống. Đó là giấc mơ vượt thoát của hàng triệu chàng trai lớn lên từ những favela (ổ chuột) mênh mông đâu đó trong lòng những Sao Paulo, Rio de Janeiro, Salvador, Recife phồn thịnh. Garrincha, Romario, Cafu, Roberto Carlos đã sinh ra giữa những chốn tồi tàn.
Nếu không có bóng đá, chắc gì họ tránh được một cuộc đời chìm ngập trong bóng tối, tránh khỏi bị cuốn vào những cơn lốc của rượu, ma túy, của thế giới ngầm. Bóng đá đã đưa họ lên đỉnh cao, trở thành bất tử. Không phải là một phần cuộc sống, bóng đá, ở xứ sở này, chính là cuộc sống.
“Tới đây, anh sẽ thấy bóng đá có ý nghĩa như thế nào với chúng tôi. Các bạn cũng yêu bóng đá, nhưng với chúng tôi, bóng đá là tất cả”, Elliot Rosenberg, một chàng trai Rio de Janeiro, viết trong email gửi tôi với lời hẹn gặp ở thành phố bên bờ Đại Tây Dương. “World Cup vì thế còn có ý nghĩa hơn cả một giải bóng đá lớn nhất hành tinh. World Cup là sự kiện ngàn năm có một đối với mỗi người dân ở đây”.
Rio có an toàn không? Những khu ổ chuột có an toàn không?
Chuẩn bị cho hành trình tới Brazil trong ngày hội bóng đá, tôi mang theo nhiều nỗi băn khoăn. Tôi vừa xem trên mạng clip quay cảnh cổ động viên một đội bóng nghiệp dư ở Bangu, một khu vực nằm ở phía tây Rio de Janeiro, ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Họ khoác áo đội tuyển Brazil, trên tay là những khẩu tiểu liên AK-47, AR-15 và FAL. Họ cứ thế xả súng lên trời. Xung quanh họ, vài người chạy nháo nhác, vài người khác ăn mừng, tỉnh bơ.
Ở xứ sở này, không ít đội bóng nằm trong tay các trùm tội phạm. Trước đó, trên mạng YouTube cũng phát tán clip quay cảnh một thanh niên đang đi xe gắn máy trên đường phố Sao Paulo thì bị hai tên cướp giơ súng đe dọa để cướp xe. Ngay lập tức, cảnh sát xuất hiện và bắn gục một tên cướp.
Tôi cũng bị ám ảnh bởi những bộ phim Hollywood và những bài báo về băng đảng ma túy trong lòng các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro, Sao Paulo. Có giai đoạn cách đây gần 10 năm, tình hình nghiêm trọng tới mức người ta đồn rằng chính phủ Brazil đã tái áp dụng chính sách “bắn bỏ”, cho phép cảnh sát và quân đội bắn gục nghi phạm chống cự trong các chiến dịch truy quét.
World Cup 2014 đến, chính phủ Brazil đã làm mọi cách để tăng cường an ninh. Ở các khu ổ chuột, cảnh sát đặt chốt gác và thực hiện tuần tra 24/7. Tuy nhiên, tình hình tội phạm dường như không thuyên giảm, thậm chí còn tăng đến mức đáng ngại. Số liệu của hãng thống kê ISP do Fox News dẫn lại cho biết chỉ riêng tháng 1.2014 đã có 420 vụ trộm cướp xảy ra trên xe buýt ở Rio, hơn gấp đôi so với con số 192 vụ của một năm trước đó. Các vụ trộm cướp ở khu Copacabana, nơi có bãi biển tạo nên danh tiếng cho Rio, trong 3 tháng đầu năm tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
“Rio có an toàn không?”, tôi gửi email cho Elliot Rosenberg hỏi, đầy băn khoăn nghi ngại. Chàng trai sống ở Rocinha, khu ổ chuột lớn nhất Rio de Janeiro và toàn Brazil, mà tôi quen qua Facebook khuyên: “Tất nhiên là có những nơi rất không an toàn. Anh đừng tới bến xe vào ban đêm. Anh đừng ra đường với lỉnh kỉnh máy móc; và đừng chụp ảnh người ta khi chưa xin phép. Quan trọng nhất, anh đừng đi đâu một mình”.
Rồi anh nói tiếp: “Chuyện bất an thì ở đâu cũng có. Tôi chỉ đưa ra khuyến cáo để anh có một chuyến đi an toàn thôi. Trên tất cả, Rio vẫn là điểm đến tuyệt vời nhất thế giới. Ngay cả các khu ổ chuột cũng không chỉ có bóng tối. Đến đây, anh sẽ yêu Rio cho mà xem”.
Ừ nhỉ, tôi đã rất yêu nền bóng đá Brazil, nơi sản sinh những cá nhân kiệt xuất và những kỹ năng đầy ma lực. Giờ thì World Cup lại sắp sửa diễn ra trên xứ sở ấy, nơi trái bóng luôn ngự trị ở vị trí cao nhất.
Vậy sao không gạt đi những lo âu muộn phiền, để bay tới hòa mình vào nơi kỳ vĩ ấy?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét