Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Malcolm - Man Utd và cuộc hợp hôn sóng gió

Trong số những cái tên từng bị nguyền rủa ở Man Utd, có lẽ Malcolm Glazer là người đặc biệt nhất. Người sở hữu đội bóng nhưng chưa một lần đặt chân đến sân Old Trafford.

Malcolm đã qua đời, ở tuổi 86, hôm 28/5 (theo giờ địa phương). Sự ra đi của chủ sở hữu đội bóng bầu dục Tampa Bay Buccaneers (Mỹ) và câu lạc bộ bóng đá Man Utd (Anh) đang tạo ra hai luồng dư luận trái chiều ở hai quốc gia tương ứng với hai đội bóng của ông.

Tại Mỹ, Glazer được nhớ tới như một nhà lãnh đạo tuyệt vời khi đã biến một đội bóng vốn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính trở thành nhà vô địch của giải Super Bowl. Ở Anh, người ta nhớ tới ông như một nhân vật phản diện bí ẩn, vô hình - người đã vắt kiệt niềm tự hào của cả một thành phố vì lợi ích cá nhân ông ta, xa lánh người hâm mộ tới mức một vài người thậm chí đã từ bỏ cả câu lạc bộ thân yêu của họ và bắt đầu với một tình yêu khác.

CĐV Man Utd chưa khi nào yêu quý gia đình các ông chủ Glazer.

Sáu năm sau những nỗ lực đẩy lùi kế hoạch tiếp quản Manchester United của Rupert Murdoch, năm 2005 người đứng đầu gia đình Glazer đã thành công trong thương vụ thâu tóm Quỷ đỏ thành Manchester, và ngay lập tức đẩy đội bóng vào tình trạng nợ nần chồng chất với khối nợ hơn 500 triệu bảng được vay để phục vụ cho tiến trình mua bán kể trên. Ngay cả trước khi quá trình mua qua bán lại kết thúc, các cổ động viên của Man Utd cũng đã có những dự cảm không lành về việc gánh nặng tài chính có thể nhấn chìm một CLB thuộc hàng giàu có nhất thế giới này. Những cuộc biểu tình đã nổ ra, hình nộm Malcolm Glazer bị đốt cháy, và ông bị người ta nguyền rủa không tiếc lời nhất là khi lượng cổ phần của ông nhanh chóng tăng vọt tại Man Utd.

Glazer bị xem là một ông chủ nước ngoài hèn nhát, là ví dụ điển hình cho thế lực đen tối đã trườn vào nền bóng đá hiện đại và quấn vặn lấy nó như thể một con trăn cuộn mồi. Một tháng sau khi nhà Glazer nắm toàn quyền kiểm soát đội bóng, hàng ngàn cổ động viên Man United đã liên kết lại với nhau và cho ra đời một CLB mới do chính họ điều hành trên nguyên tắc dân chủ với tên gọi FC United of Manchester.

Cổ động viên không phải là những người duy nhất rời bỏ đội bóng. "Glazer có đưa tôi 100 triệu euro để trở thành huấn luyện viên, tôi cũng không làm," biểu tượng một thời của man Utd, huyền thoại Eric Cantona đã phát biểu như vậy hồi tháng 11/2005. "Tôi không cho rằng Glazer hiểu biết gì về bóng đá. Ông ta chẳng là gì so với Manchester United. Tôi yêu câu lạc bộ nhưng tôi không còn yêu thích nó dưới quyền của ông ta."

Trái với ở Anh, tại Mỹ Malcolm rất được yêu quý.

Những người còn trụ lại với Man Utd cũng phải gánh chịu không ít những đau khổ và tổn hại. Nhưng nhờ có tài năng của Sir Alex Ferugson - người vẫn luôn công khai ủng hộ nhà Glazer - và Giám đốc điều hành David Gill, Man Utd bước vào thời kỳ thành công nhất được biết đến của CLB. Kể từ năm 2005, họ đã giành được năm chức vô địch ngoại hạng Anh, nâng số lần giành danh hiệu danh giá nhất nước Anh lên con số 20 - vượt qua kỷ lục 18 lần trước đó của Liverpool. Năm 2008, Man Utd lần thứ ba trong lịch sử vô địch châu Âu (Cup C1 hoặc Champions League).

Lòng thù ghét Malcolm và các con trai ông - những người được giao quyền điều hành CLB, lại một lần nữa sục sôi vào năm 2010, khi gia đình tỷ phú người Mỹ dự định phát hành trái phiếu với tổng trị giá 500 triệu bảng trong nỗ lực xóa đi khoản nợ của Man Utd. "Yêu United, ghét Glazer" trở thành khẩu hiệu mới cho những cuộc biểu tình tại sân Old Trafford.

Sắc màu nguyên thủy của CLB là xanh lá và vàng kim từ ngày được biết đến với tên gọi Newton Heath đã trở thành biểu tượng phổ biến của phong trào chống đối Glazer cả ở trong lẫn ngoài sân vận động. Ngay cả cựu danh thủ của Man Utd - David Beckham, cũng khoác chiếc khăn quàng màu xanh - vàng quanh cổ ngày trở về Old Trafford, với tư cách cầu thủ của Milan trong một trận đấu ở Champions League tháng 3/2010. Khi Beckham - một trong những cầu thủ bóng đá tài năng và thân thiện nhất mọi thời đại - công khai thể hiện sự phản đối kịch liệt với bạn trong chính sân vận động mà bạn sở hữu nhưng chưa bao giờ dám bước chân vào, thì bạn nên biết bạn không được lòng dân đến mức nào.

Bất chấp tất cả những danh hiệu dưới thời nhà Glazer, sự phản đối về các giao dịch tài chính bất chính cũng như phàn nàn việc không bao giờ chịu mở hầu bao rộng rãi như các ông lớn khác dù bỏ túi riêng những khoản doanh thu lớn chưa từng có, tăng lên không ngừng ở Old Trafford. Mâu thuẫn với quyền sở hữu của nhà Glazer từ thuở ban đầu dường như càng lớn mạnh hơn mùa vừa qua, khi David Gill rời CLB và Alex Ferguson về hưu, để lại đội bóng dưới sự dẫn dắt của bộ đôi Giám đốc điều hành mới Ed Woodward và HLV đã bị sa thải David Moyes. Man United không khác gì một con tàu bị rò rỉ tứ phía.

Họ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ bảy trên bảng xếp hạng Premier League, và lần đầu tiên dưới triều đại Glazer mất suất tham dự Champions League mùa sau - điều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc gánh trả những món nợ của CLB trong khi vẫn giữ nguyên đội hình đẳng cấp thế giới. Giờ đây, Malcolm đã qua đời, và Man Utd phải gắng hết sức lấy lại vị thế nằm trong nhóm đầu bảng xếp hạng của một đội bóng lớn dưới sự lèo lái của Giám đốc điều hành Woodward và vị thuyền trưởng mới người Hà Lan - Louis van Gaal.

Beckham cũng đứng về CĐV, phản đối gia đình Glazer.

Xét theo việc thường xuyên vắng mặt trong mọi hoạt động thường nhật của đội bóng, dường như sự ra đi của Glazer cũng không gây nhiều xáo trộn tới Man Utd. Các con trai ông cùng những thành viên khác của gia đình đã chuẩn bị kỹ lưỡng để quá trình chuyển đổi diễn ra được trơn tru phòng khi ngày này sẽ đến.

Người đàn ông luôn hé nụ cười rất tươi mà số đông mọi người chỉ được gặp qua những bức ảnh đã ra đi mãi mãi. Nhưng, dẫu cho những hình ảnh khác biệt về Malcolm Glazer được lưu giữ trong lòng các cổ động viên của NFL và Premier League sẽ không bao giờ hòa hợp là một, thì di sản mà ông để lại sẽ là tấm gương cho các ông chủ đội bóng về những điều nên và không nên làm trong các giải đấu nhiều năm về sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét