Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Tình trạng cho mượn cầu thủ bùng phát: “Miền Viễn Tây” không thể kiểm soát

“Miền Viễn Tây” trong truyện cao bồi thì ai cũng biết. Nó thơ mộng hay bát nháo, đẹp hay đáng ghét, là đất hứa hay địa ngục? Không chỉ tùy quan điểm, mà còn tùy cả vào khả năng của người trong cuộc. Tình trạng cho mượn cầu thủ gần như vượt quá khả năng kiểm soát của giới quản lý hiện được ví von là “miền Viễn Tây” trong bóng đá nhà nghề.
Chelsea là 1 trong những đội nhà giàu dùng chính sách mua sao trẻ rồi cho mượn tràn lan mà mùa này có cả những ngôi sao nổi bật như… Juan Cuadrado,…


Chelsea là 1 trong những đội nhà giàu dùng chính sách mua sao trẻ rồi cho mượn tràn lan mà mùa này có cả những ngôi sao nổi bật như… Juan Cuadrado,…
HÓA RA, KHÔNG PHẢI ĐIÊN RỒ
Năm ngoái, BBC gọi đấy là “trò chơi điên rồ”. Năm nay, cũng chính BBC lại hỏi: phải chăng quy định cho mượn cầu thủ đang bị một số CLB lạm dụng? Tất nhiên, chẳng ai lại đi lạm dụng cái gọi là “trò chơi điên rồ”. Vấn đề chính là chỗ ấy. Chỉ trong 1 năm - nói cách khác: chỉ sau một mùa “mượn cầu thủ” - người ta đã thay đổi hẳn cái nhìn về tình trạng mượn và cho mượn cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng. Lĩnh vực này quả là mới mẻ, mời gọi, rất đáng để các bộ óc siêu việt trong bóng đá nhà nghề ở đẳng cấp cao nhảy vào khai phá.

UEFA nói gì? Chủ tịch Michel Platini: “Bóng đá không thể là môn chơi mà vài đội nhà giàu mua hết các cầu thủ đáng mua. Chúng ta phải nghĩ đến toàn bộ bóng đá châu Âu thay vì chỉ nghĩ đến hai hoặc ba đội”. Thế còn FIFA? Một quan chức bình luận: phải rà soát luật lệ, không thể làm hỏng tính thuần khiết của bóng đá.  Coi như cả UEFA lẫn FIFA đều chẳng nói được câu nào đi vào trọng tâm vấn đề. Chẳng lẽ việc mượn và cho mượn cầu thủ xưa nay chưa có luật? Xem ra, cả hai tổ chức đầu não của bóng đá đỉnh cao đều không kiểm soát được vấn đề (nếu đấy quả là vấn đề cần kiểm soát). Tính chất “miền Viễn Tây” chính là ở chỗ này. Luật lệ có cũng như không. Và, quá đơn giản: ai khai phá tốt thì thắng.



… Mohamed Salah,…

Hiện có đến hàng ngàn cầu thủ đang khoác áo các CLB chuyên nghiệp ở châu Âu dưới hình thức “cho mượn tạm”. Có khi, nói thế là hãy còn ít. Mùa trước, chỉ riêng Parma đã có lúc sở hữu đến... 226 cầu thủ (vâng, một con số không thể hình dung). Mùa này, Juventus cũng có gần trăm cầu thủ. Ngoài danh sách chính thức được đăng ký ở các giải đấu (thường là 25 cầu thủ), số còn lại đương nhiên là được đưa sang đội khác theo hình thức cho mượn.

VÌ SAO PHẢI CHO MƯỢN CẦU THỦ?
Ngày xưa, một đội bóng đang có nguy cơ rớt hạng sẽ mua gấp vài hảo thủ chỉ để “qua cơn”, sau đó bán lại do không kham nổi mức lương cao. “Cửa sổ chuyển nhượng” ra đời để ngăn chặn tình trạng ấy. Việc cạnh tranh chỉ công bằng hơn một tí. Để đối phó, các đội “nhà nghèo” tìm cách mượn tạm ngôi sao từ các đội lớn. Mục tiêu trụ hạng trở nên dễ hơn đồng thời vẫn không tốn phí chuyển nhượng.

Dần dần, các đội bóng lớn thậm chí còn “vui lòng” cho đội bóng nhỏ mượn tạm các ngôi sao dư thừa, ít ra là để giảm bớt quỹ lương. Trên bề mặt, đấy đều là những việc làm dễ hiểu. Giới làm luật không mấy quan tâm thị trường “mượn cầu thủ” có lẽ là vì vậy. 

Nhưng bóng đá là môn chơi luôn tự vận động để phát triển. Các đội bóng giàu mạnh nhanh chóng nhìn ra cái lợi riêng cho họ trong lĩnh vực này. Họ... mua tất. Cứ phát hiện cầu thủ trẻ có tiềm năng là mua ngay, để đảm bảo tài năng ấy sau này không thuộc về đối thủ cạnh tranh. 



...hay Victor Moses

Mua chỉ để... cho mượn, vì nhiều lẽ. Thứ nhất là không phải trả lương, như đã nêu trên. Kế đến, tài năng trẻ sẽ được thi đấu thường xuyên hơn ở các đội bóng nhỏ, từ đó tích lũy kinh nghiệm trận mạc. Cầu thủ trẻ mà quanh năm chỉ mài đũng quần trên ghế dự bị ở đội bóng lớn thì rất dễ thui chột tài năng. Cuối cùng, các cầu thủ trẻ tận dụng được cơ hội thi đấu nhiều, khi thật sự tiến bộ, sẽ có giá chuyển nhượng tăng vọt. Đội chủ quản khi ấy không cho mượn nữa, mà sẽ bán với giá cao trên thị trường chuyển nhượng.

Đấy là chính là chỗ Platini phản đối, cho rằng bóng đá đỉnh cao “chỉ có vài đội”. Đâu phải ai cũng sẵn tiền (thật nhiều tiền), để theo đuổi chiến thuật “mua sỉ” các tài năng trẻ khắp nơi! Thật ra, không phải đội “nhà giàu” nào cũng nghĩ ra được cách hay để lợi dụng triệt để quy định cho mượn cầu thủ. 

Đấy là vấn đề ý tưởng, và nếu bóng đá châu Âu chỉ có vài đội thống trị nhờ ý tưởng kinh doanh xuất sắc, thì có gì là sai trái? Sao Platini không than phiền chuyện Real Madrid có đến 10 chức vô địch C1/Champions League? Sao ông không nói ngần ấy danh hiệu nên được chia đều cho các đội khác?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét