Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Chelsea: Thế lực chưa làm nên vương triều

Đâu thực sự là những “triều đại” lớn, khi chúng ta nhìn lại lịch sử đồ sộ đã hơn trăm năm của bóng đá Anh, với 24 nhà VĐQG và hơn chục đội từng đăng quang trên trận địa các cúp châu Âu? Chỉ có 3 cái tên đáng kể: Arsenal, Liverpool và Man United.

Arsenal thống trị trong thập niên 1930, chủ yếu nhờ HLV Herbert Chapman, nhân vật được xem là tiên phong trong việc “hiện đại hóa bóng đá”. Ông nghĩ ra dàn đèn trên sân và phát minh số áo, một chi tiết đặc biệt quan trọng liên quan đến các vấn đề chiến thuật. Tiếc thay, Chapman sớm qua đời năm 1934. Và dù Arsenal vẫn tiếp tục phát triển thành quả từ thời Chapman, vương triều Arsenal lại chịu ảnh hưởng từ Đệ nhị thế chiến và sớm chấm dứt trước kỷ nguyên bóng đá hiện đại

Từ năm 1973 đến năm 1991, chỉ có một mùa Liverpool không kết thúc giải VĐQG ở vị trí vô địch hoặc á quân. Và trong mùa bóng đứng ngoài Top 2 ấy, họ lại có Cúp C1 châu Âu. Với khoảng 20 danh hiệu vô địch chỉ tính trên 3 trận địa lớn (VĐQG, Cúp C1, UEFA Cup), Liverpool thống trị quê hương bóng đá suốt 2 thập kỷ, đáng gọi là vương triều hùng mạnh nhất xưa nay. 4 HLV Bill Shankly, Bob Paisley, Joe Fagan và Kenny Dalglish thay nhau trị vì ở vương triều ấy.


Cuối cùng là M.U kể từ đầu kỷ nguyên Premier League, như mọi người đã biết, với “ông vua” duy nhất là HLV Alex Ferguson. Premier League chỉ đang chuẩn bị kết thúc mùa bóng thứ 25, vậy mà M.U của Ferguson đã có 13 lần vô địch - miễn giới thiệu.

Bây giờ, người ta cho rằng quyền lực trên sân cỏ Anh đã thuộc về Chelsea. Họ vô địch Premier League 2 lần trong 3 mùa gần đây - và khi Leicester chen được vào giữa 2 mùa bóng thành công của Chelsea thì đấy chỉ là cú bất ngờ thuần túy, chứ Leicester không bao giờ sở hữu quyền lực. Tổng quát hơn một tí, Chelsea đã có 14 danh hiệu các loại kể từ khi ông chủ Roman Abramovich xuất hiện vào năm 2003. Ngay cả M.U từng là “vô đối” ở Premier League, giờ cũng đã bị Chelsea qua mặt. Vấn đề đặt ra: sẽ có hay không một “vương triều Chelsea”?

Dấu ấn từ HLV là chi tiết quan trọng nhất làm nên các vương triều Arsenal (của Chapman) và M.U (của Ferguson) trước đây. Liverpool cũng vậy. Paisley vốn là trợ lý của Shankly, Fagan là trợ lý của Paisley, còn Dalglish khởi đầu bằng tư cách cầu thủ kiêm HLV. Rõ ràng, đấy là một sự liền mạch.


Họ đều thấm đẫm tinh thần Liverpool suốt hàng chục năm gắn bó. Không phải tự nhiên mà khi nhìn lại những sự thống trị trên quê hương bóng đá, người ta luôn xem trọng sự ổn định của ghế HLV trưởng. Cần nhớ: các vương triều của Arsenal, Liverpool, M.U cách xa nhau hàng chục năm. Có nghĩa, đấy là điểm chung bất di bất dịch trong những thời kỳ bóng đá rất khác nhau.

Bây giờ, Conte còn chưa biết chắc tương lai của ông sẽ như thế nào. Mùa tới, sẽ không còn những chi tiết như Conte làm việc 16/24 giờ hoặc các cầu thủ Chelsea tập nhuyễn đến mức coi như họ đã đá thật trước mỗi trận cụ thể ở Premier League (lấy đâu ra những điều như thế, khi xen kẽ với 38 trận đấu ở Premier League là khoảng chục trận ở Champions League?). Và nếu Conte không lặp lại được thành công như mùa này, ông có... bị đuổi?

Nhiều người đếm số danh hiệu vô địch... rải rác, rồi cộng lại, bảo Abramovich vẫn xây dựng được một Chelsea rực rỡ dù không có HLV trưởng ổn định. Thật ra, những danh hiệu rải rác ấy có nói lên một vương triều? Bóng đá làm gì đơn giản như thế được! Chelsea còn phải “đánh dẹp” các thế lực hùng hậu xung quanh - những Man City, Liverpool, kể cả Arsenal, M.U, và phần nào cả Tottenham nữa, rồi mới mong thiết lập hẳn một vương triều trên sân cỏ Anh - nếu có thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét