Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Ngày hội Siêu kinh điển trên xứ sở bóng bầu dục

Bóng đá vẫn chưa bén rễ ở Mỹ, bất chấp sự hiện diện của Kaka, Gerrard, Lampard, Henry, Pirlo và nhiều danh thủ sắp về chiều khác, ở hiện tại cũng như quá khứ. Nhưng El Clasico là một ngoại lệ đối với người Mỹ.


Trên truyền hình Mỹ, trong 2 tuần qua kênh BeInSport phiên bản Mỹ hàng ngày đếm ngược chờ thời khắc El Clasico. Một kênh bán vé online quảng cáo liên tục, từ dịch vụ đặt vé cho đến khách sạn ở Tây Ban Nha để xem Siêu kinh điển. Người Mỹ khoái Neymar hơn Messi thì phải, nên danh thủ Brazil được dùng làm hình đại diện cho Barca, còn về Real Madrid đương nhiên là Cristiano Ronaldo.

Neymar và Ronaldo đại diện cho chất Mỹ nhiều hơn, tức là những ngôi sao luôn bùng nổ, cá tính, biến hóa ngoài đời nhưng luôn biết thể hiện mình thật tuyệt vời trên sân cỏ, kiểu các ngôi sao người Mỹ như Kobe Bryant (bóng rổ) hay Cam Newton (bóng đá kiểu Mỹ). Nhân nói về bóng đá kiểu Mỹ, người Mỹ so sánh với vẻ ngạc nhiên. 

Vé xem trận El Clasico có thể đắt ngang ngửa xem Super Bowl, trận chung kết bóng đá kiểu Mỹ được người Mỹ xem là sự kiện thể thao số 1 hành tinh hàng năm. Cũng phải, bởi Super Bowl là chung kết của giải NFL, giải đấu đắt giá nhất hành tinh với doanh thu hàng năm khoảng 9 tỷ USD. 

Bóng đá kiểu Mỹ thực chất dùng tay nhiều hơn chân, nên từ “đá” đúng cho môn soccer của Messi, Ronaldo và môn thể thao số 1 hành tinh hơn. Vé xem El Clasico lên đến 4000 USD/chiếc, trong khi vé xem Super Bowl vừa diễn ra hồi tháng 2 trung bình là 4.271 USD/chiếc, nhưng đã có fan tên Justin Kerrigan chi đến 30.000 USD mới mua được một vé hạng trung. Đội mà Kerrigan hâm mộ là Denver Broncos đã đánh bại Carolina Panthers của Newton để vô địch Super Bowl.

Bất kỳ fan bóng đá kiểu Mỹ nào cũng ước gì mình được như Kerrigan, tức mất tiền đậm (và còn phải nói dối với vợ) nhưng được cái sướng. Nếu Messi hay Ronaldo (hoặc Bale, Neymar, Benzema, Suarez) cũng đem lại cái sướng như thế, chắc chắn người Mỹ không tiếc gì tiền bạc chi đậm. Đã bị giới hạn bởi quỹ lương trần nhưng lương của một ngôi sao thể thao Mỹ có thể lên đến hơn 32  triệu USD/năm trong hợp đồng kéo dài 10 năm, ví dụ Giancarlo Stanton (bóng chày).  



Nếu MLS cũng giàu sụ như NFL hay MLB (giải bóng chày Mỹ), Messi hay Ronaldo chắc đã ở Mỹ với mức lương 60 triệu USD/mùa. Đôi chân khéo léo của Messi khiến siêu sao bóng rổ Mỹ LeBron James kinh ngạc, cái tên Messi được nhắc đến khá nhiều trong mục soccer ở các trang báo mạng thể thao tại Mỹ. Còn Ronaldo, người Mỹ biết đến anh không chỉ vì tài đá bóng mà còn vì từng tòm tem với Kim Kardashian và siêu mẫu Irina Shayk, tức người yêu cũ của người yêu cũ của siêu sao Hollywood Bradley Cooper.  

Sứ mạng khai phá bóng đá Mỹ từng được đặt lên đôi vai Pele, Beckenbauer, Cruyff hay David Beckham, nhưng đều chưa thành công. El Clasico của người Tây Ban Nha nhen lên một phần hy vọng mới, liên tục và đậm đặc. Sau El Clasico cuối tuần này, giữa tuần sau là Champions League, nơi Barcelona và Real Madrid là 2 “ông kẹ”. Giải đấu đỉnh cao của châu Âu môn bóng đá được người Mỹ biết đến qua kênh FoxSports, nhiều khả năng sẽ lại có 2 trận El Clasico trong lòng Champions League nếu cả Real lẫn Barca đều qua tứ kết. 

Nếu El Clasico mùa này hay, ngay mùa sau Ronaldo và Messi sẽ cập bến MLS? Không chỉ là chuyện cá tháng Tư, mà là hy vọng (dù ít) bởi người Mỹ cũng hiểu dân nhập cư tại quốc gia này rất nhiều, trong đó phần lớn cuồng soccer chứ không phải American Football. Kéo khán giả đến sân, kinh doanh trong mọi lĩnh vực (trong đó có thể thao) chính là sở trường của người Mỹ.

Khi sức hấp dẫn của bóng đá (thông qua El Clasico) và sự hứng thú tăng dần, biết đâu trong tương lai El Clasico sẽ đè bẹp Super Bowl trở thành sự kiện thể thao số 1 trong năm trong mắt người Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét